Pages

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Việt Nam: 10 năm cải cách hành chính thất bại


Nói không đi đôi với làm, một viên chức cao cấp cho rằng kế hoạch cải cách hành chính của chính quyền kéo dài hơn chục năm qua “coi như thất bại”.

Trong “hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Hà Nội với các sở ngành, quận huyện” tuần qua về “công tác cải cách hành chính”, ông PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia, được báo Đất Việt tường thuật hôm 3 tháng Tư thú nhận rằng: “Chúng ta đang nỗ lực cải cách hành chính nhưng kết quả của 10 năm qua coi như thất bại và công cuộc đào tạo, cải cách chất lượng công chức đang bị lệch mục tiêu”.

Trong dịp này, ông Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy thành phố Hà Nội, kể một câu chuyện để “chứng minh một thực tế đau lòng: chất lượng đội ngũ công chức đang đi xuống thê thảm hay họ đang vô trách nhiệm quá mức?!.”

Công cuộc cải cách hành chính 10 năm qua tại Việt Nam “coi như thất bại!” (Hình: Đất Việt)
Ông Nghị cho biết, 'để viết một văn thư cảm ơn nước bạn Lào mà hai cơ quan là Văn phòng UBND TP và Sở Ngoại vụ phải làm suốt... 29 ngày mới xong!”.

Theo lời ông này, đó chỉ là “một trong số vô vàn ví dụ chưa được nêu ra ở đây để chứng minh cho cái gọi là ‘thiếu chuyên nghiệp’ và ‘vô trách nhiệm’” của hệ thống công chức nhà nước CSVN.

Càng hô hào cải cách hành chính, guồng máy cầm quyền CSVN ngày càng nặng nề, càng “xấu dần” hơn chỉ vì “đánh trống bỏ dùi”, theo bản tin Đất Việt.

Ngày 18/10/2000, khi ông Phan Văn Khải còn là thủ tướng đã ban hành nghị quyết “tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp” theo sự đốc thúc của các định chế viện trợ quốc tế.

Mục đích là chỉ trong 2 năm phải giảm được 15% cán bộ công chức trong guồng máy. Nhưng năm sau số lượng lại càng phình ra nhiều hơn, chứ không giảm.

Khoảng 13 năm trước, số lượng công chức cán bộ hành chính CSVN khoảng 1.5 triệu người. Ngày 25/1/2013, ông phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra con số công chức cán bộ hiện nay là khoảng 2.8 triệu người, trong đó có ít ra 30% là cán bộ dôi dư “không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.

Khi đẻ ra cái nghị quyết “tinh giản biên chế” guồng máy hành chính, nghị quyết số 16/2000/NQ-CP của ông Khải đòi hỏi phải bảo đảm “Bình đẳng trong việc xem xét bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo của cơ quan nhà nước như cán bộ, công chức làm việc ở cơ sở công lập khi có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật”.

Nhưng đến nay, trong cuộc phỏng vấn của báo Dân Trí ngày ½/2013, ông Lê Như Tiến, “Phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Ðồng” Quốc Hội CSVN, cho hay, trong số những kẻ lãnh lương nhà nước mà không làm gì cả “lại chính là con cháu các cụ”. Bởi vậy, ai muốn đề nghị đuổi những kẻ ăn bám đó, nhiều khi họ “chưa kịp giảm” thì mình “đã bị giảm rồi”.

Ngày 8/8/2007, ông Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng ra một nghị định về “chính sách tinh giản biên chế”. Rất nhiều hội nghị và chương trình cải cách hành chính được phát động và tuyên truyền rầm rộ, nay thì có người kêu “thất bại”.

Ngày 31/1/2013, ông Nguyễn Thế Trung, phó trưởng ban Dân Vận Trung Ương của đảng CSVN cho là khoảng 50% cán bộ công chức làm việc, còn “50% chỉ giữ chỗ ăn lương”

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: