Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Văn hóa tranh luận

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Tiến sĩ Alan Phan, doanh nhân người Việt hải ngoại với 43 năm kinh nghiệm tại thị trường Hoa Kỳ
Tiến sĩ Alan Phan, doanh nhân người Việt hải ngoại với 43 năm kinh nghiệm tại thị trường Hoa Kỳ
Courtesy vietstock.vn
Không phải cuộc thi đua
Tranh luận để tìm chiến thắng sẽ không thể nào tìm ra kết quả khả dĩ chấp nhận giữa các phía vì không có cuộc tranh luận nào mà sự chiến thắng là đích cuối của cuộc đua. Tranh luận không phải là cuộc thi đua vì thế khái niệm chiến thắng đã bị hiểu sai, và người tập trung dùng những chiêu thức đánh dưới thắt lưng đối phương buộc xã hội phải xét lại văn hóa tranh luận cần phải có những tiêu chuẩn nào, và tại sao có những điều không thể đem vào một cuộc tranh luận.

Xã hội dân sự là nơi thường xảy ra những cuộc tranh luận nhất vì ở đó là một tập thể dân chủ, tự do cùng theo đuổi một mục tiêu nào đó rất rõ ràng. Những cuộc họp thường kỳ sẽ tạo cơ hội cho các thành viên trong nhóm trao đổi quan điểm của mình. Những tranh luận xảy ra có thể lệch lạc lúc đầu khi cá nhân nghĩ đến dành chiến thắng cho mình, tuy nhiên chung quanh là những suy nghĩ, những quan điểm khác đã tự điều chỉnh những lệch lạc, trái chiều đó và dần hình thành một tiêu chuẩn cho các cuộc tranh luận: tập trung vào chủ đề, phân tích các yếu tố nội tại, phản bác những nhận định hời hợt, thiếu cơ sở khoa học và thuyết phục người tranh luận bằng kiến giải của mình.
Những vấn đề không thể chấp nhận trong các cuộc tranh luận được phát hiện từ những buổi họp dân chủ này cho thấy các chi tiết cá nhân, những thất bại, khiếm khuyết của đối tượng tranh luận không thể đem vào cuộc tranh luận như một chứng lý đả kích lập luận của đối thủ.
Bảo vệ quan điểm của mình và tôn trọng quan điểm của người khác là một trong những yếu tố nổi bật của một nền dân chủ trưởng thành.
Bằng cách nào đó, tranh luận là tập dượt, thao tác để hình thành mặt bằng dân chủ. Văn hóa tranh luận chỉ tồn tại khi mọi người ra sân ngang hàng nhau trong “tư cách con người” chứ không qua cấp độ văn bằng, tiền bạc, chức vụ hay thậm chí tuổi tác.
Câu chuyện của TS Alan Phan chúng tôi nghĩ là một tiếng cảnh báo văn hóa tranh luận của Việt Nam trong lúc này, khi mà nền dân chủ thực sự vẫn còn mơ hồ và bị lệ thuộc từ nhiều phía. Qua bài phỏng vấn với Luật sư Nguyễn Trần Bạt, giám đốc InvestConsult sẽ gợi mở thêm những gì mà văn hóa tranh luận đang va vấp.

Không bươi móc cá nhân

Mặc Lâm: Xin cám ơn Luật sư đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi hôm nay về vấn đề văn hóa tranh luận. Vừa qua như ông đã biết, TS Alan Phan đã đưa ra cảnh báo chính phủ không nên tiếp sức cho thị trường bất động sản và hãy để cho nó tự chết và tự tái sinh.
Ngay sau đó ông Đoàn Nguyên Đức chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có những lời lẽ được coi là mạ lỵ cá nhân TS Alan Phan trên nhiều tờ báo. Từ cung cách này Luật sư nhận xét thế nào về văn hóa tranh luận của nước ta trong mấy lúc gần đây, thưa ông?
LS Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng có một sự va chạm nào đó giữa anh Đoàn Nguyên Đức và anh Alan Phan. Sự va chạm ấy nó không khái quát được không khí tranh luận ở Việt Nam hay người Việt Nam với nhau. Riêng cuộc tranh luận này tôi nghĩ đó là việc riêng của anh Đoàn Nguyên Đức và Alan Phan, nó phản ảnh không chỉ thái độ mà còn những bức xúc của mỗi một người.
Anh Alan Phan với tư cách là một nhà đầu tư trước đây và là một nhà hoạt động kinh tế thì anh ấy nói một cách khách quan hay ngoại cuộc về chuyện này. Còn anh Đoàn Nguyên Đức là một nhà đầu tư, và có lẽ là nhà đầu tư lớn, anh ấy vừa là người gây ra, vừa là nạn nhân và cũng là khổ chủ của câu chuyện bất động sản nên anh ấy có phản ứng của một người trong cuộc, và có thể đâu đó anh ta cũng là nạn nhân của câu chuyện bất động sản. Tôi nghĩ nó phản ảnh quan niệm khác nhau, thái độ khác nhau và phản ảnh cả hoàn cảnh khác nhau nữa.
Có lẽ tôi không đồng ý quan điểm với anh Alan Phan nhưng tôi không động chạm tới thành tích cá nhân hay việc đóng góp hay không đóng góp của anh Alan Phan.
LS Nguyễn Trần Bạt
Tôi không theo dõi kỹ phản ứng của anh Đoàn Nguyên Đức cho nên có lẽ xin phép anh Mặc Lâm tôi không đưa ra bình luận gì về phát biểu của anh Đoàn Nguyên Đức được. Thế nhưng do anh đã khái quát thành văn hóa tranh luận thì tôi nghĩ rằng văn hóa tranh luận rõ ràng là một cái văn hóa cần phải có tiêu chuẩn. Cái tiêu chuẩn ấy phải lấy khoa học hay cơ sở khoa học để không còn va chạm trong các cuộc tranh luận. Va chạm của các cá thể khác nhau mà là sự va chạm của những quan điểm khác nhau, và chuyện này tôi hoàn toàn đồng ý với dư luận đòi hỏi có một thái độ hợp lý và cơ sở khoa học trong các cuộc tranh luận.
Mặc Lâm: Thưa ông, nguyên tắc tranh luận thường gặp ở những buổi họp trong cơ quan, tại các hiệp hội tư hay trong những tổ chức xã hội dân sự của các nước dân chủ thì sự tranh luận luôn cấm kỵ bới móc cá nhân hay đưa ra những khiếm khuyết của họ để giành thế thượng phong. Trong vụ này thì ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng ông Alan Phan không có đóng góp gì cho đất nước và vì vậy không có quyền đưa ra những nhận định như thế…
LS Nguyễn Trần Bạt: Nếu anh Đức nói như thế thì nói quá. Bởi vì quyền tranh luận là quyền của người đóng góp và cả người không đóng góp. Bởi vì nói cho cùng sự đóng góp nó có nhiều nghĩa, đóng góp một cách cụ thể các công trình, các dự án như anh Đức. Cũng có thể những đóng góp lẽ phải mà mình truyền bá, những nguyên tắc mà mình giới thiệu vì vậy quá trình tham gia vào một cuộc tranh luận không liên quan gì đến việc anh đóng góp hay không đóng góp. Phải nói rằng cá nhân tôi cũng không đồng ý với Alan Phan nhưng tôi không nói và nếu giả sử tôi có nói tôi cũng không phản đối anh Alan Phan như một số người, nhưng bảo đồng ý tôi cũng không đồng ý.
Về mặt khoa học của phát biểu, về phương pháp tiếp cận này khác thì tôi nghĩ rằng mỗi người có một cách khác nhau tôi không can thiệp về bản chất của các tiếng nói tranh luận dân chủ tức là tôn trọng bản chất của các cá thể, các ý kiến.
Có lẽ tôi không đồng ý quan điểm với anh Alan Phan nhưng tôi không động chạm tới thành tích cá nhân hay việc đóng góp hay không đóng góp của anh Alan Phan.

Biểu hiện dân chủ

doan-nguyen-duc-250.jpg
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Photo courtesy of doanhnhan.net.
Mặc Lâm: Ông chia sẻ thế nào khi các cuộc tranh luận mà tính dân chủ được công nhận và tuân thủ, tức là biểu hiện cao nhất của văn hóa tranh luận, nơi ấy mọi người đều có quyền được sử dụng chính kiến của mình như một khí cụ vừa bảo vệ vừa tấn công đối tượng tranh luận?
LS Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ ở các hoàn cảnh khác nhau thì chất lượng, động cơ của một cuộc tranh luận sẽ khác nhau. Dân chủ là một cách thức chứ dân chủ không phải là chất lượng phải có trong một cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận giữa hai người đứng trông một người bị đánh, bị ăn đòn thì nó khác với cuộc tranh luận giữa người bị ăn đòn và người đánh. Vì thế chất lượng dân chủ cần được thể hiện trong hai cuộc tranh luận. Hai loại tranh luận này rất khác nhau.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, một nền kinh tế mới nổi dậy đã gặp khó khăn ngay trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên phản ứng của Việt Nam có lẽ là phản ứng của người chịu trận một cách trực tiếp cho nên đôi khi không giữ được bình tĩnh. Nhà cầm quyền đôi khi cũng không giữ được bình tĩnh. Những người phát biểu, phản biện hay tranh luận đôi khi cũng có những vấn đề không được tử tế gì vì xã hội chưa hình thành tiêu chuẩn của các cuộc tranh luận, vì thế nó rất thiếu những cái mà anh gọi là những cuộc tranh luận chuyên nghiệp. Có lẽ Việt Nam cần phấn đấu để có những tiêu chuẩn trong các cuộc tranh luận chuyên nghiệp.
Mặc Lâm: Nếu đồng ý rằng tranh luận là biểu hiện mức độ dân chủ trong xã hội thì theo ông Việt Nam đã có tiến bộ dân chủ trong tranh luận hay chưa?
LS Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ rằng là tiến bộ nhiều. Nếu anh xem tranh luận là biểu hiện dân chủ thì phải nói rằng những cuộc tranh luận trong nước càng ngày càng trực tiếp hơn, càng ngày càng thuyết phục hơn, và gần các vấn đề bức thiết hơn.
Tôi chưa dám khái quát tranh luận là biểu hiện cái gọi là phát triển dân chủ nhưng nếu xem tranh luận là một dấu hiệu thì tôi cho rằng tranh luận tại Việt Nam ngày càng sôi động hơn, càng thiết thực hơn và càng ngày càng rầm rộ hơn, đặc biệt là đem so với những năm 90 trở về trước thì xã hội Việt Nam đổi thay nhiều. Những nhà lãnh đạo Việt Nam phải đối đầu với những ý kiến không thuận tai lắm. Phản ứng có thể khác nhau ở một số người, vào một số lúc và ở một số vấn đề, nhưng tôi nghĩ mật độ khả năng tranh luận, thực tế tranh luận và những vấn đề khác nhau kể cả những vấn đề xưa nay là “taboo” thì nó nở rộ và cái đó có lẽ biểu lộ tích cực khái niệm của điều anh nói là dân chủ.
Mặc Lâm: Trên mặt báo chính thống người ta không tìm thấy những cuộc tranh luận trước những đề tài thiết thân trong quá trình cải tổ xã hội hay chính trị. Có một thế lực vô hình ngăn cản những tiếng nói đóng góp vào việc phát triển đất nước thông qua các cuộc tranh luận công khai trên báo chí, luật sư có cho rằng đây là lực cản của sự phát triển hay không?
LS Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ dân chủ là một quá trình và tranh luận xã hội cũng là quá trình nó phát triển cùng với năng lực cũng như sức chịu đựng của các lực lượng tham gia chính trị trong nước. Nếu đem so với nhiều năm trước đây, năm mười năm trước đây thì tôi nghĩ xã hội phương diện này có tiến bộ. Còn nói trên báo chí công khai, báo chí chính thống không có các cuộc tranh luận thì tôi đồng ý có hiện tượng này. Hay nói cách khác có các cuộc tranh luận một chiều và những hiện tượng như vậy nó sẽ dần dần mất đi cùng với sự phát triển sức chịu đựng của những người trí tuệ tức là về phía người phản biện và người phản đối, tìm ra được một cách tiếp cận vấn đề phải chăng hơn, hợp lý hơn. Về phía nhà cầm quyền thì chắc chắn phải tìm được một thái độ vừa phải hơn và thích hợp hơn. Tôi nghĩ đó là sự phát triển năng lực chính trị của mỗi một lực lượng xã hội.
Tôi nghĩ trong một thời gian chắc chắn anh Mặc Lâm sẽ tìm thấy những dấu hiệu mới tuy nhiên phải nói rằng không thể nhanh được. Do chúng ta sốt ruột tìm ra một phương thức nào đó để làm cho xã hội tiến bộ hơn nên không thực hài lòng.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Không có nhận xét nào: