Pages

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

VẤN ĐỀ CỦA SỰ TRÌ TRỆ TRONG VIỆC CẢI CÁCH KINH TẾ Ở VIỆT NAM


Anh Khôi chuyển ngữ, Phía Trước / Trần Văn Thọ, EAF
Vào tháng Hai năm 2013,  chính phủ Việt Nam đã phê duyệt một kế hoạch mang tính chiến lược trong việc tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2013-2020, với mục đích giải quyết những vấn đề hiện có trong mô hình phát triển tại nước này.
Nhờ vào cuộc đại cải cách Đổi mới diễn ra vào thập niên 1980, Việt Nam đã thoát khỏi cảnh nghèo một cách thành công và vươn lên thành một đất nước có mức thu nhập bình quân trung bình thấp vào cuối những năm 2000. Tuy nhiên, từ khoảng năm 2007, nền kinh tế Việt Nam lại bước vào một giai mới, một giai đoạn bị xem là trì trệ, tính cạnh tranh quốc tế tụt giảm và sự bất ổn định trong nền kinh tế vĩ mô.

Trong hai năm qua, các lãnh đạo Việt Nam đã xác định được những vấn đề này và quyết định cải cách mô hình thúc đẩy và tăng trưởng không hiệu quả. Họ đã nhận diện được ba mảng đáng phải xem xét: các doanh nghiệp nhà nướchệ thống tài chính và đầu tư công. Theo như bản kế hoạch chiến lược này, cải cách sẽ được diễn ra trong khu vực này từ năm 2013-2015. Do đó, nền kinh tế được kỳ vọng sẽ có một thời kỳ tăng trưởng mới, hiệu quả, năng suất và có tính cạnh tranh toàn cầu trước năm 2020. Mục tiêu dài hạn đối với Việt Nam là trở thành một đất nước công nghiệp hóa trước năm 2020.
Các vấn đề đã được phân tích và những phương án giải quyết được đề xuất trong bản kế hoạch chiến lược về cơ bản là đúng đắn. Nhưng bản kế hoạch này còn quá chung chung, và nó nên chú trọng vào vấn đề quan trọng nhất – tái cơ cấu lại hoàn toàn các doanh nghiệp do nhà nước quản lý. Điều này có thể sẽ mang lại một nền tảng quan trọng cho sự cải tổ triệt để đối với toàn bộ nền kinh tế. Nhưng việc cải tổ này muốn trở thành hiện thực thì Việt Nam cần phải từ bỏ con đường phát triển dài hạn đang được thực thi hiện hành với cái tên là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các doanh nghiệp do nhà nước quản lý cần được cải tổ đầu tiên bởi vì nó ảnh hưởng tới hai mảng cần được cải tổ còn lại. Các doanh nghiệp này, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước, có tác động vào các hoạt động cho vay của các ngân hàng và vận động hành lang cho các dự án đầu tư công cộng. Vấn đề nội tại đối với các doanh nghiệp nhà nước phần lớn bắt nguồn từ bản chất của sự chuyển dịch từ nền kinh tế bị điều khiển sang nền kinh tế thị trường, và điều này có thể được xem như là “thuyết phát triển mang đặc tính Việt Nam”.
Chiến lược chuyển dịch trì trệ điển hình có ba giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, chính phủ trì hoãn việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh sự phát triển của các mảng không thuộc các doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như các công ty tư nhân trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc này có thiên hướng đẩy mảng không thuộc các doanh nghiệp nhà nước phát triển với tốc độ cao hơn và dẫn đến sự suy giảm đều đều các vị trí của những doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế. Ở giai đoạn hai, các doanh nghiệp nhà nước dần dần được cải tổ bằng cách phải đương đầu với việc bị thắt chặt nguồn vốn nhà nước và phải cạnh tranh trên thị trường tự do. Cuối cùng, ở giai đoạn ba, việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước được xúc tiến và chính phủ chỉ còn giữ lại sự chiếm hữu của mình ở trong một vài vùng chính đáng.
Sự chuyển dịch chậm rãi mang phong cách Việt Nam thì không phải như trên. Mặc dù tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế nước này đã bị suy giảm, nhưng chúng vẫn nắm các vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực; vẫn có sự ưu ái trong việc tiếp cận với nguồn vốn, đất đai cũng như những nguồn tài nguyên khác; và vẫn được hoạt động dưới sự quản lý tài chính lỏng lẽo. Các doanh nghiệp nhà nước này đã nhận được sự ưu ái và được bao bọc khỏi sự cạnh tranh toàn cầu. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhà nước và đối với cả nền kinh tế Việt Nam. Và từ năm 2006, các doanh nghiệp nhà nước đã được cho phép cơ cấu lại tổ chức và sát nhập lại thành các tập đoàn (còn được gọi với tên state economic groups – tức các tập đoàn kinh tế nhà nước), mà điều này đã ảnh hưởng tới hướng đi của các chính sách kinh tế tại Việt Nam và gây xáo động đối với sự phân bổ tài nguyên. Sự biến dạng của những yếu tố trong thị trường cũng đã được tăng cường bởi các nhóm lợi ích và các mối quan hệ nồng ấm giữa chính phủ lẫn tư doanh.
Sự thiếu vắng việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước đã dẫn tới sự đầu tư thiếu trách nhiệm từ chính các doanh nghiệp này. Điều này cực kỳ nghiêm trọng khi mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động tích cực trong các lĩnh vực như nhập khẩu các ngành công nghiệp thay thế, nhà đất, tài chính và nhiều mảng dịch vụ khác. Chúng không gắn chặt với quá trình sản xuất sản phẩm để xuất khẩu, và các doanh nghiệp này lại có sự độc quyền trong ngành công nghiệp hóa học và công nghiệp nặng, những ngành không hề có tính cạnh tranh toàn cầu chút nào.
Một hậu quả quan trọng đến từ các chính sách ưu ái đối với các doanh nghiệp nhà nước là khu vực kinh tế tư nhân đã bị đưa vào thế bất lợi. Khu vực này đã không được hưởng lợi một chút nào từ các chính sách nới lỏng tín dụng (ví dụ như chính sách kích cầu vào năm 2009) nhưng lại phải gánh chịu ảnh hưởng từ cácchính sách tín dụng thặt chặt (ví dụ như trong năm 2011). Bởi các doanh nghiệp tư nhân Việt, cùng với những doanh nghiệp quốc tế đang đầu từ vào Việt Nam lại chính là những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chính và là những cá thể xuất khẩu chính các sản phẩm hàng hóa tự sản xuất, vị trí bất lợi của họ đã làm yếu đi tính cạnh tranh của Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Nói tóm lại, gốc  rễ của các vấn đề kinh tế hiện tại của Việt nam là sự trì trệ trong việc cải cách. Trong các giai đoạn đầu của thời kỳ Đổi mới, sự chuyển đổi chậm rãi của Việt Nam mang lại được nhiều hiệu quả bởi vì cải cách lúc đó chỉ chú trọng vào nông nghiệp và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, và sự tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước chưa phải là một hòn đá ngáng đường đối với sự phân bổ tài nguyên. Nhưng giờ đây, các doanh nghiệp này đã trở thành các tập đoàn nhà nước, ảnh hưởng mạnh mẽ tới các chính sách kinh tế của Việt nam cũng như nhiều yếu tố khác trên thị trường.
Sự bảo kê các doanh nghiệp nhà nước đã được bào chữa bởi một nền kinh tế mà Việt Nam đã tự đặt ra cho mình, đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếc thay, bản kết hoạch chiến lược đã một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam sẽ đi theo chính sách đó, xem nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là con đường cơ bản để phát triển đất nước. Khi mà định nghĩa nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa bị từ bỏ thì cải cách các doanh nghiệp nhà nước sẽ còn rất khó thành công.
***
Trần Văn Thọ là giáo sư kinh tế tại Trường Khoa học Xã hội, Đại học Waseda.
Để có cái nhìn chi tiết hơn về lập luận của tác giả, độc giả có thể tìm đọc “The Vietnamese Economy at the Crossroads: New doi moi for Sustained Growth”, sẽ được đăng tải trong Tạp chí Chính sách kinh tế châu Á số mới nhất sắp tới đây.
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Không có nhận xét nào: