Pages

Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Tuyên truyền Bắc Triều Tiên biến Kim Jong Un thành con người hai mặt


Kim Jong-Un trong phòng chỉ huy tác chiến khẩn cấp. Ảnh do KCNA
phổ biến hôm 29/3/2013 cùng với chiến dịch tuyên truyền đe dọa
chiến tranh của Bình Nhưỡng.  
Reuters
Tú Anh
Để bắt chẹt Hoa Kỳ và Hàn Quốc, bộ máy tuyên truyền của Bình Nhưỡng không ngần ngại sửa đổi hình ảnh của lãnh tụ Kim Jong Un tùy theo chiến thuật leo thang khiêu khích. Trong hai tuần qua, hình ảnh nguyên soái rực lửa căm thù ngoài mặt trận thay thế khuôn mặt tròn béo tươi cười và dáng đi lạch bạch.

Tình hình bán đảo Triều Tiên mỗi ngày mỗi căng thẳng nhưng theo nhịp độ leo thang khiêu khích của Bình Nhưỡng. Sau khi « tuyên chiến » với Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên tìm cách kích động tâm lý sợ hãi trong cộng đồng quốc tế bằng hai biện pháp. Đầu tiên là kêu gọi các phái bộ ngoại giao quốc tế tại Bình Nhưỡng di tản vì lý do « không bảo đảm được an ninh ».
Thất bại, cơ quan tuyên truyền vẫn thi hành bước thứ hai, lần này nhắm vào cộng đồng kiều dân nước ngoài làm việc rất đông đảo tại Hàn Quốc với viễn ảnh « xảy ra chiến tranh hạt nhân ».Cùng với động thái này đe dọa ngầm, Bình Nhưỡng tấn công vào tâm lý sợ mất lợi nhuận của doanh nghiệp Hàn Quốc. Đặc khu kinh tế Kaesong bị phong tỏa bất chấp kẻ bị thiệt hại nặng nhất là 53 ngàn công nhân Bắc Triều Tiên.
Song song với các cú đấm đe dọa bên ngoài, truyền thông, báo chí Bắc Triều Tiên được chỉ đạo đồng loạt sửa đổi hình ảnh của Kim lãnh tụ trong mục đích rõ ràng là biến cháu nội của cha già dân tộc Kim Nhật Thành từ một người « cha trẻ » thành một nhà lãnh đạo « cứng cỏi » hướng dẫn toàn dân đương đầu với siêu cường Hoa Kỳ.
Theo giới phân tích được AFP trích dẫn thì sau khi lên thay cha là Kim Jong Il qua đời năm 2012, truyền thông Bình Nhưỡng tô vẽ Kim Jong Un theo một kịch bản lãnh tụ tối cao quân đội. Kim lãnh tụ thường xuyên xuất hiện cùng với một nhóm sĩ quan cao cấp, tướng lãnh đầy sao, nét mặt nghiêm trọng trong quân phục cứng nhắc.
Mục đích đầu tiên là chứng tỏ với dân chúng Bắc Triều Tiên mù mờ thông tin và thế giới bên ngoài cũng hiếm hoi tin tức là giai đoạn kế vị đã thành công suôn sẻ, quân đội trung thành với người lãnh đạo mới, tuy trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm. Nói cách khác tại Bắc Triều Tiên , chế độ quân phiệt được cha truyền con nối.
Nhà phân tích Kathy Oh thuộc trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Alexandria ở Virginia, Hoa Kỳ, thẩm định : Khi được các tướng lãnh đứng bao quanh, tân lãnh tụ họ Kim có thể đã được phần nào quân đội tin cậy mặc dù thống tướng chưa bao giờ đi lính một ngày.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2012 thì tình thế bỗng nhiên thay đổi. Chân dung của Kim Jong Un ở những nơi công cộng không bị dẹp đi nhưng ít hơn. Điểm đặc biệt là dưới nét cứng cỏi của một « chiến sĩ », chân dung của Kim Jong Un được tô điểm nụ cười của một người bao dung, rộng lượng và đáng tin cậy. Cũng như ông nội và người cha quá cố, Kim Jong Un thích đi thăm các nông trại, nhà máy, phát biểu thông điệp lạc quan tin tưởng một tương lai sáng ngời.
Theo các tổ chức thiện nguyện hoạt động tại Bắc Triều Tiên, do tính tình thích phô trương hơn cha, ông, Kim tam thế không ngần ngại thăm viếng , vui chơi ở các khu giải trí trong khi hàng triệu người dân thiếu ăn thiếu mặc. Thỉnh thoảng, bộ máy tuyên truyền của chế độ phổ biến một vài hình ảnh của cô vợ trẻ, lịch thiệp như dấu hiệu tân tiến tại một quốc gia sống cô lập và nghèo nàn, người dân thiếu thốn mọi thứ.
Trong quyển sách “The Cleanest Race” tạm dịch là “ dòng giống thuần chủng” , B.R Meyers, một chuyên gia về guồng máy tuyên truyền của Bắc Triều Tiên lập luận : "Bắc Triều Tiên bảo vệ một ý thức hệ dựa trên sắc tộc. Họ cho rằng người Bắc Triều Tiên có đạo đức hơn mọi sắc dân khác nhưng thua kém về thể lực. Do vậy cần phải sồng dưới sự che chở của một lãnh tụ ".
Rồi đến cuối năm 2012, một lần nữa guồng máy tuyên truyền đổi hướng. Sau khi thử tên lửa ngụy trang dưới hình thức phóng vệ tinh vào tháng 12 và thử hạt nhân vào tháng 2 năm 2013, Kim Jong Un xuất hiện khắp nơi, thăm chiến hào, đại pháo, chiến hạm… trong mưa gió.
Khi Bình Nhưỡng tuyên chiến với Mỹ, không một nhà quan sát nào tin rằng Bắc Triều Tiên có phương tiện để thực hiện lời đe dọa thì bộ máy tuyên truyền phổ biến bức ảnh chụp Kim Jong Un « nghiên cứu » bản đồ hành quân cùng với một số tướng lãnh. Sau lưng là tấm bản đồ thế giới có ghi các mục tiêu tại Hoa Kỳ.
Byeon Yeong Wook, một nhà báo Hàn Quốc, chuyên gia hình ảnh tuyên truyền xuất phát từ phía bắc vĩ tuyến 38 nhận định : Từ sau vụ thử hạt nhân, bộ mặt của Kim Jong Un trở thành đáng ngại. Nhiều bức ảnh có vẽ kịch tính và lố bịch nhưng đối với người dân Bắc Triều Tiên thì họ sẵn sàng xem đây là nét mặt của một nhà lãnh đạo "can đảm".

Không có nhận xét nào: