Pages

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Thư số 18 Gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam


 Phạm Bá Hoa
 
 
                           
Tôi là một trong hằng triệu Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chống lại cuộc chiến tranh xâm lăng do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo CSVN với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo. Người 5 năm, 10 năm, thậm chí 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy chế độ dân chủ tự do và quân lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi mà quê hương tôi có dân chủ tự do thật sự.


Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam, xin gọi ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa  mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Sư Đoàn, Quân Đoàn, Binh Chủng, Quân Chủng, Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền, cũng chỉ trong một giai đoạn của lịch sử, và nội dung  tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.

Nội dung thư này, tôi mời Các Anh tiếp tục  theo dõi vấn đề “góp ý sửa đổi Hiến Pháp”.

Thứ nhất. Đảng kêu gọi nhân dân góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992. Khi kêu gọi nhân dân góp ý sửa đổi Hiến Pháp từ ngày 2/1/2013 đến ngày 31/3/2013, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, nói: “... Tạo điều kiện cho công dân tham gia một cách rộng rãi vào Hiến pháp, có thể tham gia vào tất cả các điều khoản của Hiến pháp và toàn bộ Hiến pháp...”. Ông Phan Trung Lý, Trưởng Ban Biên Tập Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp tuyên bố: “Nhân dân có thể cho ý kiến đối với mọi nội dung trong bản dự thảo Hiến Pháp, kể cả điều 4...”. Sau đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ban hành “chỉ thị 22”, nói lên sự kiện lấy ý kiến nhân dân cho bản dự thảo Hiến Pháp là “một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn đảng, toàn dân, và cả hệ thống chính trị...”.

Các Anh hiểu gì về ba vị lãnh đạo cộng sản vừa nói ở trên? Với tôi,  lời nói của ba ông ấy gộp lại như thế này: “Các ông ấy ra cái điều chế độ cộng sản có dân chủ, nên kêu gọi đồng bào tham gia ý kiến bất cứ điều khoản nào trong Hiến Pháp để xây dựng Hiến Pháp mới, và đây là một sinh hoạt chính trị quan trọng trong toàn dân. Cũng là dịp mà các ông ấy mang cái bản chất dối trá ra sử dụng, như đã từng sử dụng khi kêu gọi đồng bào góp ý đại hội đảng năm 2001, 2006, 2011, để rồi tất cả những ý kiến đóng góp được “lãnh đạo sốt sắng liệng vào thùng rác”.

Thứ hai. Đông đảo nhân dân góp ý sửa đổi Hiến Pháp. 
Sau khi rất nhiều thành phần trong xã hội tham gia góp ý sửa đổi Hiến Pháp, lãnh đạo cộng sản Việt Nam vội vàng lên tiếng.

Ngày 25/2/2013 tại Vĩnh Phú, ông Nguyễn Phú Trọng có phần hốt hoảng khi ông nói: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”

Ngày hôm sau 26/2/2013, bài viết của nhà báo Nguyễn Đắc Kiên như nòng súng nhắm thẳng vào ông Trọng, khi tác giả  nhấn mạnh:  “..... (1) Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến Pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội Nghị Lập Hiến, lập một Hiến Pháp mới để Hiến Pháp đó thực sự thể hiện ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến Pháp hiện hành. (2) Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước. (3) Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập, mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc. (4) Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào. (5) Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên, và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân,  đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Ngay chiều ngày 26/2/2013, Nguyễn Đắc Kiên bị buộc thôi việc. Khi trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, anh Kiên dứt khoát: “Tôi không ngạc nhiên là tôi bị sa thải sau khi tôi phổ biến bài viết.....Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho dân chủ ở đất nuớc tôi”.
Trần Sơn (Danlambao): “Sau bài phát biểu của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và ông Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, một sự thật hiển hiện là các ông đã chánh thức tuyên chiến với toàn dân ngay từ giờ phút ấy... Các ông không còn ngần ngại mà tự bóc trần bản chất của mình: “bản chất độc tài”.

Tác giả Phạm Thạch Hồng: “Lời tuyên bố khẳng khái của Nguyễn Đắc Kiên đã ném vào mặt Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN, nổ tung như một quả bom gây hiệu ứng dây chuyền, kéo theo một loạt phản ứng”. Ngày 28/2/2013, lời tuyên bố mạnh mẽ ấy trở thành “Lời tuyên bố của các công dân tự do” trên trang mạng, và tính đến 1 giờ sáng ngày 7/3/2013 (giờ Việt Nam) có đến 5.200 người ký tên ủng hộ. Điều đáng chú ý là trong danh sách đó, 174 người ký tên đầu tiên là trong nước, từ số thứ tự 175 trở lên là chữ ký của nhiều người Việt sống khắp năm châu”.  

Tác giả Trần Việt Hoàng. “... Đúng vậy! Cơn bão đòi hỏi dân chủ nhân quyền cho dân tôi đang đến. Nó đang còn là những cơn gió tụ họp lấp ló từ xa, nhưng tôi đã cảm nhận được sức mạnh vô cùng của nó. Đó là những cơn gió của “Triệu con Tim, Một Tiếng Nói”, của “Kiến Nghị 72”, của “Lời Tuyên Bố Của của các Công Dân Tự Do”, của “Nhận Định và Góp Ý Sửa Đổi Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”, và của những gì mà ta chưa biết đến. Chỉ trong vòng một, hai ngày mà số người ký tên đồng tuyên bố đã tăng thêm… một con số kỷ lục mà tôi chưa được thấy trong những năm qua. Nó đã nói lên một điều là hình như chúng ta đã tìm được một đáp số cho bài toán đồng thuận mà trong bao năm qua nhiều người đã và đang mãi mê tìm kiếm…”
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh, là một trong những người ký tên đầu tiên, nói về thông điệp chính của Lời Tuyên bố này: “... “Tới thế kỷ thứ 21 rồi mà mấy chục năm qua Việt Nam vẫn chưa đạt được một thiết chế dân chủ, chưa có được một nhà nước thật sự do dân, vì dân. Cho nên, thông điệp của Lời Tuyên bố này nói lên điều đó. Chính anh Kiên nói ra điều đó, và đã đồng cảm với tất cả mọi người cho nên được sự hưởng ứng của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Chuyện này là do các bạn trẻ khởi xướng.”
Trầmmột blogger trẻ Tử, : “Lời Tuyên bố có thể không có tác dụng gì đối với nhà cầm quyền, nhưng là một sự đánh động, kêu gọi quan tâm của mọi người, nhất là giới trẻ, về trách nhiệm với tình hình đất nước.... “Một bản lên tiếng như vậy, mình nghĩ, dù có đến tay những người cầm quyền đi chăng nữa thì họ cũng không có phản ứng gì tích cực đâu. Cái này là một thông điệp cho giới trẻ, nhất là những công dân mạng. Ngoài cuộc sống thực tế, việc lên tiếng rất khó khăn. Cho nên, cộng đồng mạng như một mối dây liên kết mang thông điệp chung đến giới trẻ, và thức tỉnh giới trẻ trong điều kiện đất nước đang lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong cái khó khăn đó, những sự liên kết như vậy tạo thêm sức mạnh và thêm cơ hội để Việt Nam có thể có một thay đổi tích cực trong tương lai.”
Vũ Đông Hà (Danlambao). “Tự Do không phải là quà tặng. Con đường đi đến Tự Do của một dân tộc, không bao giờ là con đường bằng phẳng. Trên con đường Tự Do hôm nay, tuy không có hố mìn bom đạn của thời chiến, nhưng lại chứa đầy những nguy hiểm được đánh dấu bằng những con số. như 79, 88, 258… . Đó là những điều trong Luật Hình Sự. Con đường đó ở nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam này, đôi khi lại là con đường ngắn nhất dẫn đến ngục tù. Thế nhưng vẫn có những con người tiên phong chọn cách đi về phía trước, và phất cao ngọn cờ Tự Do. Đó chính là những người khởi xướng lên Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do

. Bước chân của họ đang góp phần làm ngắn lại con đường đến bờ Tự Do. Họ đang lót đường cho thành quả sau cùng của tương lai.
“Nguyễn Hoàng Vi, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ...v..v... Trong đoàn người ấy, khởi đi là những cô gái nhỏ bé về dáng người nhưng đầy lòng quả cảm. Đó là những khuôn mặt thân quen của các bloggers trẻ tuổi. Gió Lang Thang, người bạn trẻ vừa mới đi tặng quà Tết cho dân oan đã bị đánh và bị bắt đem về đồn Công An. Hành Nhân, Huỳnh Công Thuận, Huỳnh Ngọc Chênh, Trịnh Kim Tiến, Nguyễn Hồ Nhật Thành, Uyên Vũ, Châu Văn Thi, Binh Nhì, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Lân Thắng, Lê Thiện Nhân, Lê Dũng, Aduku Nguyễn Văn Dũng, Bùi Thị Minh Hằng, Trầm Tử, Lê Khánh Duy, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Ngọc Tuấn, ..v..v..... Những người miệng nói, tay viết, chân đi, trong mọi nỗ lực tranh đấu cho sự toàn vẹn lãnh thổ và biển đảo, cho công lý và quyền lợi của dân oan, cho tự do ngôn luận, cho công bằng xã hội. Họ đã dõng dạc cất cao lời xác định tư thế của những Công Dân Tự Do”.
“Trên con đường ấy, đồng hành với những người em, người cháu, sánh bước cùng thế hệ trẻ là những bậc đàn anh suốt đời luôn nặng nợ với núi sông như Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Nhạc sĩ Tô Hải, bác Trần Khuê, ..v..v... Ở trong đoàn người ấy có bóng dáng của những nhà thơ Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Phan Đắc Lũ, Phan Bá Thọ, Trần Đức Thạch, Chiêu Anh Nguyễn. Cũng có những chiếc áo dòng tu sánh bước của những vị Linh mục Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Thoại, Hoàng Minh Giám, Lê Xuân Lộc, Nguyễn Quốc Hưng, Linh mục  An Phong Nguyễn Công Minh, và Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Cũng ở đó có những đảng viên dứt khoát từ bỏ con đường của đảng độc tài đã lâu, như anh em Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn, Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ, hoặc mới đây như Nguyễn Chí Đức”.
Chưa hết. “Còn có những người cựu tù của chế độ, bỏ lại sau lưng ám ảnh của lao tù để tiếp tục con đường khai mở cho Tự Do, là Lê Thăng Long, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Văn Đức, Phạm Minh Hoàng, Phạm Văn Trội. Cùng với những tên gọi quen thuộc là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà giáo Phạm Toàn, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng, nghệ sỹ Tạ Trí Hải, nhà báo Võ Văn Tạo, nhà báo blogger Osin Huy Đức, nhà báo blogger Phạm Thành, nhà báo Lưu Trọng Văn, Bác sĩ Lê Đình Phương, Bác sĩ Thạch Nguyễn, và các thành viên của 8406 là Đỗ Nam Hải và Lư Thị Thu Trang. Sau cùng với con số 1001, là một tên tuổi vừa làm nên tất cả: Nguyễn Đắc Kiên”.
“Tất cả, từ các nẻo đường khác nhau của đất nước, xuất phát từ những hoàn cảnh, những cuộc sống, những mảnh đời khác nhau, đã cùng đồng hành, công khai tên tuổi là tiếng nói xác định tư cách và quan điểm của những Công Dân Tự Do. Khởi đi từ những thanh niên thiếu nữ ban đầu, dần dần lên đến con số ngàn. Họ đã đứng lên. Tự Do đã lên tiếng gọi. Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do là bước khởi đầu. Và tự nó, đã là một chiến thắng. Mỗi bước chân đi tới, là một chiến thắng chung của dân tộc trong cuộc cách mạng của sợ hãi này”. Chắc chắn rằng, trong số họ, sẽ là những người phất cao ngọn cờ Tự Do ở quãng trường Ba Đình vào ngày mai, theo sau là hàng trăm ngàn, hằng triệu người Việt Nam reo mừng chiến thắng Thoát Vòng Nô Lệ. Ngày chiến thắng đó sẽ không bao giờ đến, nếu không có ngày hôm nay”.
Các Anh cảm nhận được gì sau khi đọc những lời tâm huyết của tuổi thanh niên, tuổi trung niên, tuổi lão niên, cùng lứa tuổi với Các Anh và cha mẹ Các Anh? Những chính sách cai trị của lãnh đạo Các Anh, thường xuyên tạo cho người dân phải sống trong sợ hãi để lãnh đạo được an tâm mà thâu tóm quyền lợi, vì hình ảnh những nhà độc tài tại các nước cộng sản miền đông Âu Châu, cùng với những nhà độc tài tại các quốc gia miền bắc Phi Châu và Trung Đông, đã bị người dân nổi dậy giết chết, hoặc bị tòa án quốc tế tuyên án tử hình, luôn luôn ám ảnh họ! Giờ đây, đông đảo những lứa tuổi trong xã hội chủ nghĩa đã vượt qua nỗi sợ hãi, đã và đang đứng dậy đòi hỏi lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam thực hiện dân chủ tự do mà bước khởi đầu là một Hiến Pháp thật sự tự do dân chủ.
Mới đây, cô Tạ Phong Tần được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công nhận là một trong 10 phụ nữ can đảm nhất thế giới. Anh Huỳnh Ngọc Chênh, đoạt giải thưởng NITZEN “công dân mạng internet can đảm trên thế giới”, do Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới và tập đoàn Google tổ chức tại Paris ngày 12/3/2013. Và mới nhất là cô Nguyễn Hoàng Vi, được tổ chức IFEX trụ sở tại Canada vinh danh “những phụ nữ nỗ lực tranh đấu cho tự do ngôn luận”. Các Anh có cảm nhận được tinh thần yêu nước của tuổi trẻ Việt Nam như thế nào trước sự tàn bạo từ những vị lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam? Các Anh có góp phần hãnh diện với tuổi trẻ Việt Nam trên đường tranh đấu giành quyền sống cho dân tộc Việt Nam, mà trong đó có Các Anh và gia đình thân quyến của Các Anh không? Nếu không, tôi xin hỏi: “Các Anh là ai?” Xin lỗi, câu này tôi mượn lời của nhạc sĩ Việt Khang đó. Về phần tôi, tôi ngưỡng mộ Việt Khang, Nguyễn Đắc Kiên, tất cả ... và tất cả ..!       
Ngày 1/3/2013, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tại Hà Nội, công bố bản “Nhận định và góp ý dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992”. Xin trích một đoạn: .... “Quyền bính chính trị cần thiết để điều hành xã hội, nhưng chủ thể của quyền bính chính trị phải là chính nhân dân xét như một toàn thể trong đất nước. Nhân dân trao việc thi hành quyền bính ấy cho những người có năng lực và tâm huyết mà họ bầu làm đại diện cho họ, bất kể người đó thuộc đảng phái chính trị hoặc không thuộc đảng phái nào. Chỉ khi đó mới có Nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân” .
Ngày 6/3/2013, Câu Lạc Bộ Truyền Thống Kháng Chiến hội thảo tại Sài Gòn, về việc đảng kêu gọi nhân dân góp ý sử đổi Hiến Pháp. Theo luật sự Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội, có mặt tại buổi hội thảo nhận xét, thì không khí tranh luận giữa hai phía, một bên nhất quyết giữ vai trò của Đảng trong Hiến Pháp, còn một bên thì dứt khoát phải bỏ điều 4 vì nó đi ngược lại lợi ích của đất nước, nhân dân, có lúc diễn ra khá gay gắt.... Ông Lê Công Giàu phát biểu:

“Đối với điều 4 tôi đề nghị dứt khoát là phải bỏ. Có nghĩa là không nên để cho đảng độc quyền,  với bốn lý do. Thứ nhất. Đảng đã nói theo chủ nghĩa Marx Lenin chấp nhận biện chứng, nhưng thủ tiêu đối lập. Như vậy sẽ không có đấu tranh thì làm sao phát triển? Những nước Xã Hội Chủ Nghĩa có nước nào phát triển đâu? Thứ hai. Ai cho anh cái quyền đó? Trong lúc chưa trưng cầu ý dân anh tự đặt cái quyền đó và đưa vào Hiến Pháp, như vậy là lạm quyền. Thứ ba. Khi anh đặt điều 4 thì nó chống lại những điều khác. Nó chống lại quyền con người, quyền ăn nói, quyền lập hội, vì khi đảng đã lên trên rồi thì các quyền kia không còn nữa. Thứ tư. Cho đến bây giờ cái gọi là xã hội chủ nghĩa, nhưng trong thực tế là nội dung không rõ ràng. Nó là một sự thí điểm trên toàn xã hội. Một sự thí nghiêm, không phải với con chuột bạch mà là đem cả một dân tộc làm thì nghiệm”.
Ngày 7/3/2013, sau khi phân tách, Khối 8406 tuyên bố: “.....Cảnh báo toàn thể đồng bào Việt Nam trong nước, hãy cẩn thận đề phòng những phản ứng điên cuồng và trả thù tàn bạo mà đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể sẽ tung ra trong thời gian tới bằng cách sử dụng lực lượng công an, quân đội, côn đồ để hăm dọa, giam cầm, thủ tiêu những công dân ái quốc đang nỗ lực thay đổi vận mệnh đất nước cách bất bạo động theo chiều hướng dân chủ. .... Điều họ luôn khẳng định “Chế độ chính trị độc đảng ở Việt Nam hiện nay là sự lựa chọn của nhân dân và của lịch sử” là hoàn toàn dối trá và ngụy biện, không thể nào được Dân tộc Việt Nam hôm nay chấp nhận! .....”

Ngày 10/3/2013, sau khi phân tách sự kiện đông đảo tuổi trẻ, trí thức, và đồng bào tham gia góp ý sửa đổi Hiến Pháp theo lời kêu gọi của đảng với nhà nước, Đức Tăng Thống Hòa Thượng Thích Quảng Độ, trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, đoạn cuối như sau: “...Tôi mong đảng cộng sản biết lắng tai nghe tiếng nói của dân, điều hành vận nước như thế nào cho nó phù hợp để đáp ứng nguyện vọng của dân. Tôi đã sống gần dân tôi biết, tính họ cộc lắm, đòi mãi mà không được là họ nổi xung đó. Mà họ nổi xung thì khó ngăn cản. Có thể rồi vạn người tràn ra đường. Không lẽ các ông bắn giết hết ư? Không được đâu!...”

Tôi tin là Các Anh đã thấy được, sự kiện lãnh đạo đảng kêu gọi đồng bào tham gia góp ý sửa đổi Hiến Pháp, đã được đông đảo các giới khác nhau trong xã hội tham gia. Tuy lời lẽ cũng như cách diễn đạt khác nhau, nhưng chung một mục đích là kiến nghị đảng xây dựng Hiến Pháp thật sự tự do dân chủ, và nhà nước thi hành đúng đắn, chớ không phải lừa dân, dối dân, mị dân, như từ khi có đảng đếnnay     

Tóm tắt thư của cựu Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ngày 7/3/2013, gởi ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, về vấn đề góp ý sửa đổi Hiến Pháp:

“....  Trong đại hội Ban Chấp Hành trung ương đảng thnág 10/2012, Tổng Bí Thư nhận định đúng. Đúng là một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đe dọa sự tồn vong của đảng và chế độ, mà phần lớn là đảng viên có chức có quyền, kể cả ở cấp cao. Như thế, cũng có nghĩa là đảng suy thoái. .... Nhưng Tổng Bí Thư đã sai khi phát biểu ở Vĩnh Phú. Đã là đông đảo người góp ý kiến, thì ý kiến rất đa dạng, có người tán thành điều này, có người muốn sửa đổi điều kia, có người đồng ý với dự thảo, có người có ý kiến khác với dự thảo, đó là điều bình thường, sao Tổng Bí Thư lại chụp cho những người đó “cái mũ suy thoái” lại còn yêu cầu phải “xử lý”  như trường hợp Nguyễn Đắc Kiên. Nếu góp ý kiến chỉ được đồng ý với dự thảo của Ủy Ban Soạn Thảo… thì lấy ý kiến của nhân dân làm gì cho mọi người thấy là “dân chủ hình thức, dân chủ giả dối”. Còn chỉ đạo “phải xử lý” thì xử lý sao được, vì đã có hơn  6.000 người đã ký vào “Kiến nghị 72” trong đó có nhiều nhà khoa học, trí thức có tên tuổi cả trong nước và trên quốc tế.....” 
“Nhân đây, tôi  đề nghị sửa điều 70 trong dự thảo. Thay vì “Lực lượng vũ trang phải trung thành với đảng cộng sản”, bằng câu “lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ Quốc Việt Nam”, điều đó không phải là “phi chính trị hóa” quân đội.,,,,”

Thứ ba. Đảng thật sự hốt hoảng.

Theo bản tin VRNs ngày 9/3/2013. Tại Sài Gòn, từng toán cán bộ Phường/Xã đến các khu dân cư, vào tận nhà trao cho mỗi nhà một “Bản Hiến Pháp 1992” và một “Bản Dự Thảo Hiến Pháp mới”, kèm theo danh sách đánh máy sẳn, họ yêu cầu đọc và ký tên vào, rồi đưa lại cán bộ.

Anh Tùng ở Hốc Môn cho VRNs biết: “Hôm qua -tức 8/3/2013- Ủy Ban đến nhà tôi và những nhà khác, đưa mỗi nhà một cuốn tài liệu bản góp ý sửa đổi Hiến Pháp, lúc đó tôi không có ở nhà. Khi về, con gái tôi nói lại là họ đưa cuốn sách in đối chiếu hai bản hiến pháp cũ và mới (dầy 79 trang), rồi thêm một danh sách in sẵn đề nghị con bé xem rồi ký tên đồng ý vào, tất cả chỉ diễn ra trong vòng 5 phút. Danh sách ký xong, họ mang đi luôn chỉ để lại cuốn sách in”.

Theo tác giả Trần Anh, thì đảng với nhà nước vội vàng tung cán bộ đến từng nhà dân ở các Quận Huyện Phường Xã trực thuộc Sài Gòn, ngoài những hành động như trên, họ còn kèm theo lời dặn cho chủ gia đình: “Hãy đánh dấu vào chỗ “đồng ý” rồi ký tên mà không được viết bất cứ điều gì”.   

Tuy ngày 6/3/2013, Quốc Hội có thông bào thời gian góp ý, thay vì chấm dứt ngày 31/3/2013 được kéo dài đến ngày 30/9/2013 theo yêu cầu của phái đoàn trao “kiến nghị 72”, tức thêm 6 tháng nữa. Nhưng sao lãnh đạo đảng tại Hà Nội cũng như Sài Gòn, ra sức ép dân ký ngay và trao cho cán bộ tại chỗ, “để biết chắc là những ý kiến đó đúng mục đích của lãnh đạo chăng? Nếu đúng vậy thì lãnh đạo cộng sản hoảng hốt thật sự rồi. Tôi nhận định: “Người dân đang làm cuộc cách mạng chân chính”. 

Kết LuậnBài học kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ qua, đã là cộng sản thì không có người cộng sản tử tế, vì chính sách giáo dục của họ chỉ nhắm đào tạo những thế hệ thần dân tuân phục họ, và những chính sách xã hội chỉ nhắm bóp nghẹt các quyền tự do của con người trên căn bản “xin và cho” trong chính sách cai trị của họ. Vì vậy mà Việt Nam không có những công dân tử tế để xây dựng một xã hội trong mục đích phục vụ nguyện vọng người dân. Phải biết rằng, “nguyện vọng người dân, chính là nhiệm vụ của lãnh đạo quốc gia”. Nhưng với 14 đảng viên cộng sản trong Bộ Chính Trị, người dân lại là kẻ thù của họ.
Các Anh là Người Lính trong quân đội nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ, có Anh 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 hay 25 năm cầm súng. Có bao giờ Các Anh suy ngẫm về  quảng đời quân ngũ với súng đạn và bạn bè, hằng triệu người đã gục ngã trên chiến trường Việt Nam Cộng Hòa, chiến trường Campuchia, hằng triệu người thương tật tàn phế sống vất vưỡng đó đây, nhiều lứa tuổi về hưu, và Các Anh đang còn súng đạn trong tay, để nhận ra những khác biệt giữa lời nói với hành động của lãnh đạo Các Anh từ khi nhuộm đỏ một nửa nước vào năm 1954, đến nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam năm 1975 đến nay không? Lãnh đạo Các Anh:
“Nói giải phóng, nhưng thật sự là xâm lăng. Nói thống nhất, nhưng là nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam theo lệnh của cộng sản quốc tế. Nói nhân dân làm chủ, nhưng thật ra nhân dân chỉ là một phương tiện lót đường cho họ nắm quyền lực mà thâu tóm tài sản. Nói độc lập, nhưng họ nhận lệnh từ Trung Cộng. Nói tự do, nhưng họ là độc tài. Nói hạnh phúc, nhưng toàn dân như bị họ nhốt trong cái lồng chim. Nói tự do ngôn luận, nhưng mọi người bị họ bịt mắt bịt tai bịt miệng. Nói giáo dục tân tiến, nhưng chỉ đào tạo những thế hệ thần dân để tuân phục họ. Mở miệng ra là khoa học kỹ thuật, nhưng sử dụng côn đồ của luật pháp rừng rú đàn áp người dân yêu nước chống Tàu xâm lấn. Nói đến quê hương dân tộc, họ lại nhân danh lãnh đạo đảng cộng sản để đứng trên đầu Tổ Quốc với Nhân Dân”.               Tôi mong Các Anh hãy suy nghĩ từ chiều sâu tâm hồn của chính mình, rồi quyết định.... Và quyết định đó giúp Các Anh quyết tâm bước vào hàng ngũ tuổi trẻ, trí thức, đồng bào, bằng bất cứ hình thức nào và thời gian nào mà Các Anh cho là thích hợp nhất, để cùng nhau xây dựng một xã hội dân chủ tự do, để hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới, và mỗi khi cầm sổ “Thông Hành” (hộ chiếu) trong tay mà ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh, lịch sự.
Tôi vững tin rằng, bà con trong Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại -đặc biệt là Những Người  Cựu Lính Chúng Tôi- vẫn hết lòng hỗ trợ Các Anh và quí vị đồng bào, những thế hệ đang từng bước làm nên lịch sử.  
Hãy nhớ: “Tự Do, phải chính chúng ta tranh đấu, vì Tự Do không phải là quà tặng, và Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước” (trích trên internet).
                                                                  Texas, tháng 04 năm 2013.

Không có nhận xét nào: