Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

Quản lý vàng theo cách Trung Quốc đã hủy bỏ

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_Hkg4619858-305.jpg
Vàng miếng hiệu SJC
AFP photo
Không như kỳ vọng
Phiên đấu thầu vàng thứ hai ngày 4/4, Ngân hàng Nhà nước bán gần hết 1 tấn vàng nhưng giá vàng Việt Nam vẫn cao hơn giá thế giới hơn 4 triệu đồng một lượng. Mức chênh lệch giá như thế được cho là quá hấp dẫn, tiền đề chảy máu ngoại tệ buôn lậu vàng.
Đất Việt Online nhận định, sau hai phiên đấu thầu thực hiện chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước, độ chênh giá giữa vàng nội và ngoại càng mở rộng lớn hơn, chứ không thu hẹp lại như kỳ vọng. Cụ thể chiều 4/4 giá vàng SJC cao hơn giá vàng quốc tế qui đổi tương đương tới 4,6 triệu đồng một lượng.

Trả lời Nam Nguyên vào tối 4/4, Phó Giáo sư TS Ngô Trí Long, chuyên gia nghiên cứu về quản lý giá và thị trường từ Hà Nội nhận định:
“Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước tung vàng ra làm nguồn cung, đấu thầu để kéo giá trong nước sát với giá thế giới thì theo tôi nghĩ việc làm này là hơi khó. Nếu làm nó phải là một quá trình, thực tế trên thế giới không có một Ngân hàng Nhà nước nào lại nhập nguyên liệu về đúc vàng sản xuất vàng và cung ứng đem ra đấu giá để cân đối cung cầu. Ngày 5/4 và sắp tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu giá nữa mong thực hiện kéo giá thế giới và trong nước thì tôi nghĩ là hơi khó…”
Ngay sau khi 25.700 lượng vàng SJC tức gần 1 tấn vàng được Ngân hàng Nhà nước bán ra hôm 4/4, giá vàng Việt Nam lại tăng thêm độ chênh chứ không giảm, VnExpress nhận định sự kiện này “Thị trường vàng vẫn mơ về ngày sát giá”.
Kiểu làm như Việt Nam hiện nay cũng như Trung Quốc cách đây 10 năm dù Trung Quốc cho đến nay đã phải thay đổi toàn bộ.
TS Ngô Trí Long
Trong khi đó ghi nhận của báo Dân Trí điện tử, từ phiên đấu thầu đầu tiên bị ế hôm 28/3 và cả trước đó các giới chức Ngân hàng Nhà nước luôn biện giải trên báo chí, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường.
Theo tư liệu của chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh cho rằng chênh lệch giá quá lớn là động cơ dẫn đến nạn chảy máu ngoại tệ buôn lậu vàng và không thể nói rằng không quan tâm đến tình trạng này.
“Theo qui luật khi có chênh lệch giá thì xuất hiện tình trạng buôn lậu, ông Nguyễn Văn Bình lúc còn là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã viết trên tạp chí Cộng Sản một bài báo trong đó xác nhận  hàng năm có việc buôn lậu từ 20 tấn đến 40 tấn vàng, tức là một khối lượng ngoại tệ khá lớn đã được sử dụng để nhập lậu vàng và Hội đồng vàng thế giới cũng đã xác nhận việc này. Nhưng hiện nay giá chênh lệch này chắc chắn là một kích thích để cho việc buôn lậu vàng lại diễn ra. Nhưng ông Thống đốc Ngân hàng thì lại nói rằng không quan tâm đến việc xử lý chênh lệch giá này và đấy là câu hỏi mà có lẽ công luận muốn sắp tới đây có lời giải đáp từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

Màu sắc lợi ích nhóm

000_Hkg4619862-250.jpg
Một tiệm mua bán vàng ở Hà Nội hôm 25/2/2011. AFP photo
Ngày 30/3 tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương 127 ở Hà Nội, một trong các nhân vật có thẩm quyền về chống buôn lậu và gian lận thương mại, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm đã phát biểu rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước lấy thương hiệu vàng SJC làm thương hiệu vàng quốc gia thì từ năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch giá lớn giữa vàng trong nước và nước ngoài. Tướng Lực còn đề cập tới vấn đề lợi ích nhóm khi ông nói: “Việc qui định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC và phương hại đến lợi ích các thương hiệu vàng miếng khác.” Báo Người Lao Động Online đưa tin này và được nhiều báo đăng lại. Trên thực tế sau khi SJC được áp đặt làm Thương hiệu Quốc gia cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng đều tốn kém nhiều chi phí để chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác dù cũng là vàng bốn số 9 (99.99%). Thí dụ về vấn đề này, theo Tuổi Trẻ Online, Đất Việt Online, hiện nay vàng miếng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu kém giá vàng miếng SJC tới 3 triệu đồng/lượng. Còn vàng miếng AAA của Agribank thì thấp hơn khoảng 2 triệu một lượng.
Được yêu cầu nhận định về vấn đề chính sách quản lý vàng của Ngân hàng Nhà nước có màu sắc lợi ích nhóm, PGS.TS Ngô Trí Long phát biểu:
“Việc hiện nay Ngân hàng Nhà nước chỉ chọn một thương hiệu SJC làm độc quyền thương hiệu vàng của Nhà nước Việt Nam thì đã gây rất nhiều tranh luận. Qua đó người ta cho rằng nó thể hiện một lợi ích nhóm nào đấy thì là hoàn toàn đúng và nhận định của Tổng Cục Cảnh sát là hoàn toàn chính xác.
Theo tôi biết, trên thế giới không có một nước nào chỉ có một thương hiệu. Ở các nước ngân hàng ít nhất có vài thương hiệu ngoài ra các doanh nghiệp cũng có thương hiệu riêng của mình và tất cả những thương hiệu đó đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thương hiệu của mình, về chất lượng số lượng cũng như mẫu mã. Nhưng riêng Việt Nam làm theo kiểu này là kiểu một mình một chợ. Tại sao làm như vậy, thì có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau cho là lợi ích nhóm, điều này là có thể có và qua việc Tổng cục Cảnh sát có ý kiến như vậy thì tôi thấy hoàn toàn phù hợp và chính xác.”

Lạc hậu

Chọn thương hiệu SJC làm độc quyền thương hiệu vàng của Nhà nước VN đã gây rất nhiều tranh luận. Qua đó người ta cho rằng nó thể hiện một lợi ích nhóm nào đấy thì là hoàn toàn đúng.
TS Ngô Trí Long
PGSTS Ngô Trí Long từng có bài phân tích trên VnEconomy từ cuối năm ngoái là “Cần sớm thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng”. Bài viết thực hiện vào thời điểm 7 tháng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và giao vai trò lớn cho Ngân hàng Nhà nước. Thế nhưng cơ chế quản lý qua Nghị định 24 đã gây ra nhiều bất ổn cho kinh tế vĩ mô, do thị trường vàng đang bị nhìn nhận một cách phiến diện và tiêu cực.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nghị định 24 được gần 1 năm. Chúng tôi nêu câu hỏi, quảng thời gian qua đã đủ dài để đánh giá lại chính sách quản lý vàng theo Nghị định 24. PGS.TS Ngô Trí Long phát biểu:
“Tôi đã phân tích về những bất cập của chính sách quản lý thị trường vàng hiện nay mà đã được thực hiện thông qua Nghị định 24. Sự bất cập của nó đã được nêu rất cụ thể, có nghĩa là làm theo kiểu một mình một chợ và làm không đúng qui luật. Kiểu làm như Việt Nam hiện nay cũng như Trung Quốc cách đây 10 năm dù Trung Quốc cho đến nay đã phải thay đổi toàn bộ.”
Nếu thị trường vàng Việt Nam tiếp tục được quản lý theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước thay vì quản lý vĩ mô lại thực hiện vai trò độc quyền sản xuất, ấn định giá, tham gia điều tiết thị trường, thì nền kinh tế tài chính có thể chịu những ảnh hưởng khó lường. PGS.TS Ngô Trí Long nhận định:
“Chính sách theo Nghị định 24 bất cập ở đối với Nhà nước, bất cập với doanh nghiệp và bất cập đối với người tiêu dùng. Cho nên quan điểm của tôi là phải thay đổi sửa đổi lại ngay Nghị định 24 và có những điều bổ sung. Còn cái kiểu một mình một chợ và với cách làm thủng đâu vá đấy thì sẽ hoàn toàn gây bất lợi và chắc chắn ảnh hưởng tới sự hoạt động của nền kinh tế.”
VnExpress ghi nhận, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở phiên đấu thầu thứ ba vào ngày 5/4/2013, lượng vàng bán ra cũng gần 1 tấn, chính xác là 26.000 lượng vàng SJC 99,99% như hai phiên trước. Mức giá tham chiếu đấu thầu là 43 triệu 250 ngàn đồng/ lượng. Thực tế ở phiên thứ nhì ngày 4/4 vừa qua giá trúng thầu thấp nhất là 43,23 triệu đồng một lượng và cao nhất là 43,35 triệu đồng/ lượng.
Chúng tôi xin trích lời ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) trên Đất Việt Online: “Dường như Ngân hàng Nhà nước đang rơi vào vòng lẩn quẩn của chính mình, đưa ra một cái mạng nhện về quản lý vàng rồi dính vào đó! Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng để làm gì? Tổng Thư ký VAFI kèm theo một câu hỏi nữa, đó là tại sao trong quí 1/2013 nhập khẩu vàng đã tăng đột biến gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Không có nhận xét nào: