Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Đoàn Văn Vươn, phiên tòa kết của một kịch bản man rợ



Minh Dân (Danlambao) – Tòa Tiên Lãng chỉ là cái máy chém của một dây chuyền xay thịt người. Đảng CSVN biến tình thương yêu con dân thành nỗi căm hờn chế độ mà sông Hồng không bao giờ có thể rửa sạch…
*
Tất cả mọi người có lương tri, tình yêu thương đồng bào, tính rạch ròi phải trái đều có chung cảm nghĩ về thân phận gia đình anh Đoàn Văn Vươn sau chuỗi ngày các phiên tòa nghiệt ngã mà kết quả là một sự tận cùng của bất hạnh giáng xuống cả họ tộc các anh. Oan nghiệt! sau song sắt nhà lao các anh nhà họ Đoàn chỉ còn biết kêu nài lên đấng tối thượng trên cao, cũng có thể các anh đã không biết rằng đã có một đoàn người bất tận luôn ủng hộ an ủi tiếp sức cho các anh và gia đình, yêu thương như ruột thịt, luôn đứng về bên công lý và lẽ phải. Một phiên tòa cô đơn thiểu số trước một bầy chó hoang man rợ. Sau phiên tòa, số phận của toàn gia tộc anh sẽ đi về đâu khi mà Nguyên thủ luôn coi dân như kẻ thù, sẵn sàng dùng đòn thù không gớm tay.
Chúng tôi nói mà không bao giờ sợ bị sai lầm là các anh không làm gì nên tội, tội của các anh chỉ có thể là tội làm giàu chân chính cho gia đình, tế bào của xã hội mà thôi.
Hãy nhìn lại một năm trước để nhận rằng lương tri loài người mãi mãi là tồn tại dù ở trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường, chế độ nào:
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh quân khu 4 nói rõ quan điểm:
“Chức năng của quân đội được Đảng, Nhà nước giao là để đáp trả bất cứ kẻ thù nào nhằm bảo vệ tổ quốc và nhân dân. Việc Tiên Lãng đưa hàng chục bộ đội và công an, nói là để cưỡng chế nhưng với vẻn vẹn chỉ có mấy người dân thì đây rõ ràng là một vụ trấn áp không thể chấp nhận được. Người đưa bộ đội ra trong trường hợp này đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong mắt người dân.”  (Vnexpress 13/2/2012, 10:31)
Trích thư của tướng Thước gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Trước ý kiến chính đáng của nhiều đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo cao cấp, các lão thành trên các lĩnh vực và dư luận rộng rãi của nhân dân, Thủ tướng đã có Chỉ thị cho lãnh đạo thành phố Hải Phòng và các cơ quan chức năng của Chính phủ phải làm rõ vụ việc và xử lý một cách nghiêm minh, kịp thời rút kinh nghiệm để không xảy ra sự việc tương tự trong cả nước, giữ vững sự ổn định chính trị để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. 
 
Dư luận rất hoan nghênh Chỉ thị của Thủ tướng và hy vọng, sự việc sẽ được giải quyết tận gốc vấn đề nhất là khi BCH trung ương đã có Nghị quyết về những vấn đề cấp bách, về xây dựng Đảng, lại liên quan đến vấn đề đất đai, vấn đề hết sức nóng bỏng đang chiếm trên 70% vụ việc khiếu kiện của cả nước.” (Vnexpress.net 8/2/2012, 15:59)
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Nguyên Tư lệnh Quân khu I) và Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị) đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.
Nói về “phản ứng tiêu cực” bắn súng hoa cải làm bị thương 6 chiến sĩ công an, bộ đội của ông Đoàn Văn Vương trong buổi cưỡng chế, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, bản thân ông Vươn là người được học hành tử tế, là một kỹ sư nông nghiệp, nên ông ta không dễ gì có những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật như vậy. Tôi cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở cách giải quyết của chính quyền địa phương và cần phải xem xét lại nghiêm túc vấn đề này.
Cùng nội dung này, tướng Huỳnh Đắc Hương đưa ra một ví dụ điển hình, câu chuyện chống người thi hành công vụ ở Tiên Lãng không phải bây giờ mới có. Trước đây, ở Thái Bình, chính quyền đã từng bán đất của nhân dân để mua ô tô, làm sân tennis, khiến cho nhân dân uất ức mà chống đối. Điều này cho thấy, sự chống đối của người dân xuất phát từ cách làm của chính quyền địa phương mà ra.
Ông nói thêm, vào năm 1999, nhân một chuyến du lịch, tôi cùng gia đình và một số đồng đội của mình đã ghé thăm khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Khi đó, ông Vươn và gia đình họ Đoàn nổi lên là một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi.
Khi chính sách khuyến khích lấn biển làm kinh tế của nhà nước ta ban hành, không phải ai cũng dám bỏ công, bỏ của ra để làm. Nhưng ông Vươn cùng người nhà đã thực hiện rất thành công. Nhìn vào khu đầm phá này, người ta sẽ phần nào hiểu được công sức, tiền của mà chủ đầm phải đầu tư.
Theo ông Hương, những người như ông Vươn là tấm gương làm kinh tế mà các người dân ở nước ta phải noi theo. Và với tấm gương sáng như vậy, thay vì tạo điều kiện giúp đỡ, mà tổ chức cưỡng chế, hủy hoại tài sản của họ, thì tôi cho rằng những lãnh đạo địa phương không có tấm lòng.
Nói về chuyện hòa giải của Thẩm phán Ngô Văn Anh đối với phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tiên Lãng với các hộ thuộc diện cưỡng chế, tướng Phạm Xuân Thệ cho rằng, cơ quan tham mưu, cơ quan chức năng địa phương quá non kém về mặt chính trị. Bởi vì, hành động ấy chằng khác nào lợi dụng lòng tin của nhân dân vào chính quyền để làm tổn hại tới quyền lợi nhân dân.
Ông nói thêm, việc đưa lực lượng liên ngành tạo nên một cuộc cưỡng chế rầm rộ như đã làm ở Tiên Lãng chẳng khác gì đẩy người nông dân vào đường cùng. Trong trường hợp ấy, lẽ ra ông Vươn trở thành một người dân tốt, người làm kinh tế giỏi bỗng chốc bị dồn vào đường cùng và biến thành tội phạm. Như vậy là thất bại. Và những yếu kém trong cách quản lý của chính quyền địa phương đôi khi vô tình sẽ tạo nên kẽ hở cho những thế lực thù địch lợi dụng.
Đối với câu chuyện san bằng ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn, tướng Huỳnh Đắc Hương nói thêm, nếu chính quyền địa phương không ra lệnh, thì không ai dám phá nhà người khác.
Với những người hiểu về pháp luật, không khó gì trong việc tìm ra cái sai của chính quyền địa phương. Vấn đề là họ có dám thẳng thắn nhận sai hay ngoan cố, đùn đẩy trách nhiệm. Và chỉ có những người vô liêm sỉ mới không dám nhận cái sai của mình.
Qua sự việc này, Thiếu Tướng Huỳnh Đắc Hương mong rằng, các Bộ tham gia điều tra, làm rõ việc quản lý đất đai ở Tiên Lãng trong thời gian tới đây sẽ trung thực, nghiêm túc và giải quyết triệt để vấn đề nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa nhân dân và Nhà nước ngày càng vững bền hơn. Và có thể lấy câu chuyện ở Tiên Lãng làm điển hình cho những địa phương khác trên toàn quốc. (phapluatvn.vn18/01/2012 13:52)
Ai đúng ai tội?
Một sai lầm quá lớn của đảng cầm quyền nước CHXHCNVN, một sự cố chấp hay là một sự thị uy của quyền lực? Cả bộ máy quyền lực từ địa phương tới trung ương tập trung hành xử một gia đình không có tội, một thế giới báo chí vun vào cho quyền lực, một hệ thống phát thanh truyền hình hà hơi tiếp sức cho quan tòa, viện án, bẻ cong bóp méo dư luận. Tất cả cùng đẩy tội nhân xuống bùn theo một kịch bản mọi rợ và cực kỳ hoang dã.
Tại sao phiên tòa anh em Đoàn Văn Vươn được dàn dựng xử trước nhóm Lê Văn Hiền, đó là một tuồng lo-gich vô cùng thủ đoạn, gian manh phù phép của đảng Cộng sản Việt nam nhằm phô trương thanh thế võ biền của một đảng có sở trường về cơ bắp, biến công thành tội biến tội thành công, suốt đời chỉ lo thanh trừng, vun vén cá nhân, mong biến VN thành cái địa ngục trần gian.
Tòa Tiên Lãng chỉ là cái máy chém của một dây chuyền xay thịt người.
Đảng CSVN biến tình thương yêu con dân thành nỗi căm hờn chế độ mà sông Hồng không bao giờ có thể rửa sạch.
Ý đảng chưa bao giờ là lòng dân, đảng CSVN không bao giờ tiếp thu ý kiến mọi tầng lớp công dân.
Tôi chỉ xin trích dẫn lời của tướng Huỳnh Đắc Hương: “Vấn đề là họ có dám thẳng thắn nhận sai hay ngoan cố, đùn đẩy trách nhiệm. Và chỉ có những người vô liêm sỉ mới không dám nhận cái sai của mình.” thay cho lời kết của phiên tòa phi công lý không bao giờ khép lại này.

Không có nhận xét nào: