Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

"Nợ xấu có thể tăng gấp đôi"


Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Sắp tới chúng ta sẽ áp dụng tính toán nợ xấu theo tiêu chuẩn mới, hệ thống hạch toán mới, cho nên nợ xấu có thể sẽ tăng, thậm chí tăng gấp đôi.

Đánh giá về tình hình kinh tế quý I-2013, TS Võ Trí Thành, nhận định: Kinh tế vĩ mô có sự cải thiện nhất định. Lạm phát giảm dần. Cán cân thanh toán cải thiện mạnh, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh hơn kì vọng, hiện nay đạt khoảng 30 tỉ USD, đáp ứng 3 tháng nhập khẩu. Đến cuối năm 2013 dự trữ ngoại tệ của Việt Nam có thể đạt 35 tỉ USD.

Đối với sản xuất kinh doanh, xuất khẩu là một điểm tích cực. Trong quý I, xuất khẩu của doanh nghiệp “nội” đã đạt mức tăng trưởng 10%, cao hơn mức tăng trưởng 1,3% của năm 2012. Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu này nếu trừ đi việc xuất khẩu vàng thì tăng trưởng thực tế chỉ 5-6%. Ngoài ra, lĩnh vực dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao hơn năm 2012 trong khi lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp đều giảm so với cùng kì.

Tiếp cận nguồn vốn ngân hàng vẫn là khó khăn với các DN hiện nay. (Ảnh minh họa,nguồn internet).
“Như vậy các nhân tố tích cực của nền kinh tế còn rất mờ trong khi khó khăn cơ bản vẫn nguyên” – ông Võ Trí Thành nói.

Theo dự báo của TS Võ Trí Thành, lạm phát sẽ đạt một con số, nhưng kiềm chế lạm phát ở mức 6-7% không đơn giản. Nguyên nhân là sức ép giá cả mặt hàng đang kiểm soát còn lớn và các “cú sốc” của tình hình thế giới chưa lường trước được.

TS Thành cũng tỏ rõ sự băn khoăn khi cung tiền tệ tăng rất mạnh. Tính đến 21-3, tín dụng chỉ tăng 0,03% nhưng cung tiền (tổng tiền gửi và tiền lưu thông cho nền kinh tế) tăng rất cao. Năm 2012, cung tiền tăng trên 22%, còn 3 tháng đầu năm 2013, cung tiền vẫn tăng 3,5%. Vậy số tiền cung ứng ra thị trường đó đã đi đâu, về đâu? Đây là câu hỏi khiến nhiều người cảm thấy khó lí giải.

Theo TS Võ Trí Thành, rủi ro lớn nhất hiện nay nằm ở hệ thống ngân hàng, nợ xấu vẫn cao. Sắp tới chúng ta sẽ áp dụng tính toán nợ xấu theo tiêu chuẩn mới, hệ thống hạch toán mới, nợ xấu có thể sẽ tăng, thậm chí tăng gấp đôi.

Vị chuyên gia của CIEM cũng chỉ ra những thách thức trong thời gian tới. Một là, tiếp cận tài chính của doanh nghiệp khó khăn. Nguyên nhân là do tổng cầu rất thấp, quá trình phục hồi yếu, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp không có. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 tháng đầu năm cũng giảm. Hai là, các điều kiện để doanh nghiệp được vay tín dụng không có, nợ xấu còn nguyên. Cùng với nợ xấu, việc cải tổ một số ngân hàng yếu kém vẫn chưa làm xong.

Ông Thành nhấn mạnh: Tái cấu trúc nền kinh tế nói nhiều làm ít, đến nay vẫn chưa làm được gì.

Điều nền kinh tế mong muốn nhất bây giờ là ổn định. Đó là đóng góp tốt nhất cho nền kinh tế, vì đó là điều kiện để Nhà nước rút lui khỏi những biện pháp hành chính, để lãi suất giảm. Nhưng muốn ổn định phải xử lí được nợ xấu. “Vấn đề này có lẽ phải kéo dài nhiều năm nhưng không bắt đầu làm từ bây giờ thì bao giờ làm” – ông Thành tỏ vẻ sốt ruột.

Giải quyết nợ xấu khó khăn ở chỗ không được dùng ngân sách, không được dùng tiền thuế và không được in tiền. “Điều này giống như một chàng trai hát hay nên tán được gái đẹp. Ngày xưa thì được thế nhưng giờ muốn tán được cô gái đẹp chàng trai phải có tí tiền”- TS Võ Trí thành ví von.

Lương Bằng

(Báo Hải Quan)

Không có nhận xét nào: