Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Nhiều trí thức, chuyên gia người Việt muốn trở về nhưng ít ai muốn ở lại


Có lẽ khi vẫy tay chào tạm biệt bố mẹ tại cửa ra sân bay Nội Bài để sang Nga du học ngành công nghệ thông tin vào năm 1998, Hải khó mường tượng nổi đó lại ngày mà anh bắt đầu chuyến hành trình 15 năm bôn ba trên đất khách quê người.

Mặc dù ở diện đi du học với học bổng của chính phủ, anh đáng lẽ ra phải trở về nước tối đa hai năm sau khi tốt nghiệp, nhưng luật tạo ra luôn có cách để lách, và sau khi tốt nghiệp thì Hải đã tìm được cách để sang Canada và rồi sang Mỹ làm việc cho tới ngày hôm nay.

“Khi bạn 23 tuổi, bạn nhìn cuộc sống khác so với khi bạn 18 hoặc 19 tuổi. Bạn quan tâm tới gia đình và muốn giúp đỡ bố mẹ, chuẩn bị cho cuộc sống của riêng bạn và quan trọng hơn hết là làm sao để những kiến thức và kỹ năng mình học được ở đại học không bị phung phí”, Hải chia sẻ với University World News.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2 với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” tại Tp Hồ Chí Minh ngày 27 tháng Chín, 2012. Ảnh Diệp Minh Đức/congly.com.vn
Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 2 với chủ đề “Tầm nhìn đến năm 2020 - Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hội nhập và phát triển cùng đất nước” tại Tp Hồ Chí Minh ngày 27 tháng Chín, 2012. Ảnh Diệp Minh Đức/congly.com.vn
“Nếu tôi trở về Việt Nam vào năm 2003 hoặc 2004, làm sao tôi có thể thực hiện được các ước muốn của tôi? Tôi không có nhà ở những thành phố lớn như Hà Nội và bố mẹ tôi chỉ là những nông dân bình thường”, Hải chia sẻ thêm.

Trường hợp của Hải không phải là hiếm gặp. Trên thực tế, theo thống kê không chính thức, khoảng 10.000 cho tới 20.000 người có cơ hội đi du học chẳng bao giờ trở lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp kể từ sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975 cho tới nay.

Theo con số thống kê của State Committee for Oversea Vietnamese thì có khoảng gần 4.5 triệu người Việt Nam sống trên toàn thế giới và có khoảng 400.000 người trong số họ có bằng đại học hoặc cao hơn – một nạn chảy máu chất xám đáng tiếc cho đất nước đang rất cần người có tri thức như Việt Nam.

Vào tháng Ba năm 2004, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Resolution 36 [Nghị quyết 36] dành cho người Việt Nam ở nước ngoài. Mục tiêu của nghị quyết này là thuyết phục và kêu gọi người Việt sống ở nước ngoài trở về hỗ trợ sự phát triển đất nước trong mọi lĩnh vực như kinh tế, khoa học và văn hóa.

Ít ai ở lại

Nghị quyết đã có một sức lan tỏa tích cực vào lượng đầu tư nước ngoài và ngoại hối vào Việt Nam, nhưng nó vẫn không thể thu hút được lượng tri thức Việt về nước. Và số lượng trở về thì lại nhanh chóng dứt áo ra đi lần nữa vì những bất cập trong công tác như thói quan liêu, kiểm soát thái quá và môi trường làm việc không thỏa đáng.

Theo thống kê của Sở Thống kê thành phố Hồ Chí Minh thì có khoảng 400 những người Việt sống ở nước ngoài trở về nước và hơn một nửa trong số họ làm việc ở các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu khóa học hoặc các bệnh viện. Nhưng nhiều người trong số họ chẳng nán lại được lâu.

Trung tâm công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh đã phải nói lời chia tay với 22 nhà nghiên cứu chỉ trong năm 2012. Điều này đã làm đảo lộn nhiều kế hoạch của các trường đại học và các trung tâm công nghệ và khoa học với những thiết bị hiện đại phức tạp, giờ đây chẳng có ai sử dụng tới.

Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn đã có lúc lên tới gần 30 chuyên gia Việt Nam trở về từ các nước như Mỹ, Úc, Canada và Nhật Bản, nhưng giờ chỉ còn một vài người ở lại. Lượng thiết bị hiện đại trị giá hơn 10 triệu USD tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển Sài Gòn giờ đây nằm bất động vì chẳng có ai đụng tới.

Tờ Sài Gòn Giải phóng đưa lời của giám đốc điều hành trung tâm công nghệ Sài Gòn, tiến sĩ Dương Hoa Xô: “Có rất nhiều lý do đã khiến những chuyên gia này bỏ việc, chủ yếu là lương thấp, thiếu chỗ ở và thiết bị làm việc thì nghèo nàn”.

Cần làm rõ vấn đề giữ chân người tài

Tiến sĩ Phan Bạch Thắng, Phó Viện trường Khoa học Vật liệu tại Đại học Khoa học Tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ: “Nếu những khó khăn hiện tại không được nhìn nhận một cách đúng đắn và kịp thời, chúng ta sẽ khó có thể kêu gọi được những chuyên gia và nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về phục vụ tổ quốc”.

Những người Việt ở nước ngoài luôn sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước để có thể đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, giáo sư y học Nguyễn Văn Tuấn tại trường đại học South Wales từ Úc châu cho biết ông đã giảng dạy nhiều lần ở các đại học Việt Nam nhưng vẫn chọn làm việc cố định tại Úc.

Việc trả lương thấp tại các trường đại học của Việt Nam không phải là nguyên nhân chính đối với những người như giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – một người đã được vào biên chế giáo sư chính thức tại một trường đại học ở một nước phát triển. Nguyên nhân lớn hơn đồng thời cũng là nguyên nhân chính chính là môi trường làm việc.

Ngay cả đối với những nhà khoa học trẻ như Hải được nhắc tới ở trên, tiền cũng không phải là yếu tố duy nhất. “Bởi vì tôi là đứa con cả trong gia đình, bố mẹ tôi lúc nào cũng muốn tôi trở về và tìm một công việc phù hợp tại quê nhà”. Điều mà Hải muốn nhắc tới ở đây chính môi trường làm việc chứ không phải là tiền lương.

Để tạo nên một môi trường nghiên cứu tốt đòi hỏi nhiều tiền và nhiều những sự hỗ trợ khác, Eren Zink – chuyên gia về chính sách khoa học tại Việt Nam chia sẻ. Vị chuyên gia này đã từng viết một luận văn tiến sĩ vào năm 2010 với tiêu đề “Khoa học của sự trở về: Một cái nhìn về những nhà khoa học Việt Nam với những tấm bằng quốc tế cao cấp”.

Nước đi mới

Vào tháng Mười hai, dưới sự sắp xếp của Nghị quyết 36, chính phủ Việt Nam đã ban hành một dự thảo để thưng cầu ý kiến chuyên gia. Mục tiêu của việc này là thu hút những nhà tri thức Việt Nam đang làm việc ở các trường đại học nước ngoài trở về nước để làm việc trong lĩnh vực giáo dục cấp cao của Việt nam, chủ yếu là làm việc một thời gian ngắn nhưng có thể qua đó khích lệ họ ở lại quê nhà làm việc lâu dài.

Bản dự thảo đã nêu ra những mối quan tâm chính của các tri thức muốn trở về, bao gồm việc miễn thuế thu nhập và những ưu đãi trong việc mua hay thuê nhà.

Và đây là một chính sách có sự tham gia của nhiều tổ chức như các viện chức giáo dục bậc cao, các bộ giáo dục, tài chính, ngoại giao, công an và cả bộ khoa học và công nghệ.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết kế hoạch này là một nước đi “trễ còn hơn không bao giờ” và có một vài điều khoản xem chừng như “tiến bộ hơn” so với những kế hoạch trước đây. Nhưng trong số đó vẫn còn nhiều mảng chưa rõ ràng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, nhà khoa học đã rời Đức để trở về Việt Nam và sống tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi nghỉ hưu, còn cẩn trọng hơn đối với bản dự thảo này. Người điều hành diễn đàn Sci-Edu – một nhóm quy tụ hàng trăm tri thức Việt ở nước ngoài, cho biết ông và những người khác còn chưa bị thuyết phục với cách mà chính sách mới này sẽ hoạt động như thé nào trong thực tế.

“Họ nên mở rộng cánh cửa hết mức có thể, và sớm nhất có thể, và quan liêu càng ít càng tốt. Đừng chậm trễ nữa vì thực sự bây giờ đã là quá chậm rồi”, ông cho biết. Thay vào những việc này là Nghị quyết “quá cứng nhắc” về tư tưởng chính trị và nghi ngờ một số người Việt Nam ở nước ngoài “, mà điều này thì chỉ có hại cho đất nước, tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh chia sẻ.

Tiến sĩ Xanh còn nói thêm, “Điều quan trọng nhất là liệu những quan chức cấp cao nhất của chính phủ Việt Nam có thực sự xem khoa học và giáo dục là rường cột, là nguồn lực dồi dào cho sự phát triển kinh tế của nước nhà, và xem việc thu hút những nguồn lực khoa học và công nghệ này như một điều bắt buộc hay không. Nếu câu trả lời là có thì họ nên tìm mọi cách để thu hút nhân tài Việt Nam trên khắp thế giới về nước và thông qua đó, thu hút nguồn lực nước ngoài. Nếu câu trả lời là không thì họ khỏi cần bày đặt chính sách này hoặc chính sách nọ ra làm gì cho lằng nhằng”.

Hiệp Phạm, University World News
Lê Duy chuyển ngữ, CTV Phía Trước
 
© 2013 Bản tiếng Việt Tạp chí Phía trước

Không có nhận xét nào: