Pages

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Mỹ đánh giá nhân quyền VN 'một chiều'


Lương Thanh Nghị
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thường lên tiếng phản bác các chỉ trích về nhân quyền
Chính quyền Việt Nam vừa lên tiếng cáo buộc báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là thể hiện ‘quan niệm cũ’, dựa trên những thông tin ‘bịa đặt’ một chiều và do đó ‘thiếu khách quan’.
Trước đó, trong báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công bố hôm 19/4, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận định tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong năm qua ‘đã xấu đi’.

Bản báo cáo này dẫn chứng Điều 88 Bộ Luật hình sự quy định tội danh ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ như là công cụ để chính quyền đàn áp các tiếng nói bất đồng.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ thì ở Việt Nam các quyền con người cơ bản không được đảm bảo, trong đó có các quyền chính trị, quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp.

Phản ứng chính thức

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã có phản ứng quen thuộc trước các chỉ trích về thành tích nhân quyền của nước này.
Ông Lương Thanh Nghị lên án phía Mỹ ‘không khách quan’ và yêu cầu Mỹ có thái độ tích cực hơn trong quan hệ giữa hai nước.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm Chủ nhật ngày 21/4, ông Nghị nói:
“Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục dựa vào các thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam và đưa ra những nhận xét không khách quan về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam.”
Do đó, ông Nghị gọi hành động này của phía Mỹ là ‘không có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước’.
Phạm Hồng Sơn
Phái đoàn Mỹ đã bị chính quyền ngăn trở tiếp xúc với ông Phạm Hồng Sơn để tìm hiểu về tình hình nhân quyền
Gần như đồng thời với phát ngôn chính thức của ông Lương Thanh Nghị, trang mạng của báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản, đã chạy bài xã luận phản bác chỉ trích của Mỹ vào sáng thứ Hai ngày 22/4.
Bài xã luận có tiêu đề ‘Bộ Ngoại giao Mỹ nên có thái độ hợp tác và xây dựng hơn’ và được ký tên của tác giả Doãn Tuấn.
Các lập luận chủ yếu mà tác giả này đưa ra để phản bác lại báo cáo của Mỹ là báo cáo này ‘dựa trên những thông tin không xác thực’, ‘có ý đồ xấu’, và thành tích nhân quyền của Mỹ cũng có tỳ vết.
Báo Nhân dân nêu các sự việc xung quanh vụ cưỡng chế đất đai ở giáo xứ Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng, mà họ gọi là ‘tin tức bịa đặt’ do ‘các thế lực thù địch với Việt Nam’ dựng lên để dẫn chứng việc chính quyền Mỹ đã bị ‘gây tác động’.
“Trong bối cảnh đó, lẽ ra cần cẩn trọng xem xét trước khi tiến hành đánh giá, thì một số người trong chính giới Mỹ lại tỏ ra tin cậy, tán thưởng, đồng tình với sự vu cáo,” bài xã luận viết.
“Bản báo cáo cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa có sự thay đổi trong quan niệm, cách thức tiếp cận, xử lý thông tin mà vẫn phê phán Việt Nam... chủ yếu dựa vào thông tin một chiều rất thiếu xác thực.”

Nhân quyền cho số đông?

Theo tác giả bài xã luận thì có sự khác nhau giữa ‘tư cách công dân và tư cách tín đồ’, giữa ‘tự do ngôn luận với tuyên truyền chống Nhà nước’ và giữa ‘nhân quyền với trách nhiệm công dân. Những sự khác nhau này, theo bài xã luận, chính quyền Mỹ không phân biệt được.
Bài báo cũng đặt vấn đề tại sao Bộ Ngoại giao Mỹ ‘chỉ chú ý tới một vài cá nhân....trong khi dân số Việt Nam tới hơn 80 triệu người’ để từ đó nghi ngờ tính chính đáng trong động cơ thực hiện báo cáo nhân quyền này.
Sinh viên Phương Uyên bị cáo buộc 'Tuyên truyền chống Nhà nước'
Báo Nhân dân cho rằng có sự khác biệt trong giữa nhân quyền cho số đông và nhân quyền cho mỗi con người
Theo lập luận của tác giả thì ‘nhân quyền cho số đông’ mới quan trọng hơn quyền của một số cá nhân mà phía Mỹ thì không quan tâm đến.
Từ đó, cây bút Doãn Tuấn khẳng định ‘hơn 80 triệu người dân Việt Nam... đã được hưởng các quyền chủ yếu một cách tích cực mà xã hội đã và đang mang tới’.
Bài xã luận cũng nhắc đến một lập luận thường thấy của chính quyền Việt Nam khi phản bác Mỹ về nhân quyền là ‘Mỹ cũng tệ mà lại đi lên án người khác’.
Dẫn chứng mà bài báo này đưa ra là ‘Mỹ là nước có số lượng tù nhân lớn nhất trên thế giới (2,3 triệu người) và tống giam nhiều người hơn các quốc gia khác (752 tù nhân/100.000 dân)’ và ‘tình trạng giam giữ không xét xử vẫn tràn lan trong các nhà tù ở Mỹ’ nhưng không rõ tác giả bài báo lấy các dữ liệu này từ đâu.
Cuối cùng, bài xã luận trên báo Đảng cũng dẫn lại quy định ‘có chế tài trong thực thi’ trong Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị được Liên hợp quốc thông qua năm 1966 để biện hộ cho những hạn chế về nhân quyền mà chính quyền Việt Nam đang thực hiện.
Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới năm 2012 được công bố chỉ ít ngày sau khi hai nước có cuộc đối thoại nhân quyền tại Hà Nội trong tháng 4 năm nay.
Khi đó, hai nước đã đề cập đến nhiều chủ đề như tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tù nhân lương tâm, pháp quyền trong những vấn đề khác, Tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội thông báo.
Tuy nhiên, đại diện của Mỹ trong cuộc đối thoại sau đó đã bị chính quyền ngăn trở không cho tiếp xúc với hai nhà bất đồng chíng kiến là luật sư Nguyễn Văn Đài và bác sỹ Phạm Hồng Sơn.

Không có nhận xét nào: