Pages

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Hơn 2,000 công nhân ở Hải Phòng đình công


Lần đầu tiên tại Hải Phòng từ đầu năm đến nay, một cuộc đình công lớn đã diễn ra tại nhà máy Giày Liên Dinh 2 ở quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.

Một lực lượng đông đảo công nhân lên tới 2,000 người đã tụ tập trước cổng nhà máy đưa yêu sách đòi chủ phải đáp ứng. Hầu hết các điều khoản được đưa ra đều liên quan đến vấn đề lương bổng, và nhiều quyền lợi bảo đảm mức sống tối thiểu của công nhân.

Hơn 2,000 công nhân đình công tại Hải Phòng. (Hình: Internet)
Cuộc đình công kéo dài suốt hai ngày 15 và 16 Tháng Tư đã gây gián đoạn giao thông con đường chính nối trung tâm thành phố Hải Phòng và quận Ðồ Sơn. Công an địa phương đã buộc phải đến nơi giữ gìn trật tự giao thông.

Cho đến cuối ngày 16 Tháng Tư, người ta vẫn chưa nghe nói đến kết quả của cuộc đình công.

Ðây chưa phải là cuộc đình công mở màn năm 2013 của công nhân Việt Nam. Tại tỉnh Thanh Hóa đúng vào ngày Tết dương lịch, hàng trăm công nhân xí nghiệp sản xuất gạch Ðông Văn tọa lạc tại tỉnh Thanh Hóa đã mở cuộc bãi công đòi trả thù lao trong những ngày lễ tết mà họ phải làm việc.

Sau nhiều lần đâm đơn đòi tiền thù lao “tăng ca” không có kết quả, công nhân buộc lòng phải đình công, bỏ việc.

Riêng tại Sài Gòn, được coi là điểm nóng của các cuộc đình công, người ta ước tính có ít nhất 103 vụ xảy ra trong năm 2012. Hầu hết các vụ đình công đều nhằm đòi tăng lương, giảm giờ làm việc, cải thiện phẩm chất bữa ăn trưa.

Một phúc trình của Sở Lao Ðộng-Xã Hội Sài Gòn nói rằng số vụ đình công của công nhân tại thành phố lớn nhất Việt Nam đã giảm bớt về số lượng và cũng đã có vẻ “ôn hòa, bớt gay gắt, ồ ạt như trước.”

Báo Dân Trí dẫn lời của bà Nguyễn Thị Dân, trưởng phòng Lao Ðộng-Tiền Lương của sở này nói rằng ngày nay đa số người lao động “bắt đầu ý thức về tiền lương tối thiểu.” Vì vậy, theo bà Dân, không còn có nhiều cuộc đình công xảy ra giữa các thời gian điều chỉnh tiền lương.

Mới đây, một số các cuộc hội nghị diễn ra tại Sài Gòn đều thừa nhận rằng mức lương của công nhân Việt Nam hiện nay chỉ bằng 50% mức sống tối thiểu.

Vì lý do này, mức sống của khá đông công nhân đã rớt xuống “mức nghèo” hoặc sắp sửa nghèo. Nếu không được khuyến khích đình công - một phương cách hữu hiệu để đòi quyền lợi, coi như người công nhân chấp nhận tiếp tục cuộc sống thiếu thốn, đói nghèo.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: