Pages

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

CON ĐƯỜNG DÂN TIẾN CỦA CSVN


 NGUYỄN CAO QUYỀN

 Con người sinh ra trên đời, không thể sống cô đơn mà phải thuộc về một nhóm hay một tập thể, từ kích thước gia đình đến kích thước quốc gia.  Trong cuộc sống tập thể đó, ngoài những quyết  định cá nhân còn những quyết định đòi hỏi phải có đông đủ mọi người tham dự.
 
 Dân chủ là thuộc tính của diễn trình lấy quyết định tập thể.  Theo tinh thần dân chủ mỗi thành viên của tập thể đều có quyền tham gia như nhau vào diễn trình lấy quyết định.  Dân chủ đòi hỏi tôn trọng hai nguyên tắc: một là sự kiểm soát của quần chúng trong diễn trình lấy quyết định; hai là mỗi người đều có quyền ngang nhau khi thi hành việc kiểm soát đó.  
 Như vậy, phẩm chất dân chủ của một quốc gia được đánh giá qua việc các công dân trưởng thành có quyền ứng cử và bầu cử như nhau và qua việc các quyền công dân, chính trị của họ được bảo vệ bởi luật pháp.  
 Sự cần thiết của dân chủ
 
 Sự cần thiết của dân chủ có thể giải thích bằng năm lý do chính: thứ nhất, mục đích của dân chủ là đem lại cho mọi cá nhân sự đối xử như nhau: thứ hai, một chính quyền dân chủ dễ thỏa mãn nhu cầu của người dân hơn bất cứ loại chính quyền nào khác; thứ ba, dân chủ đưa tới sự tranh luận, sự thuyết phục và sự thỏa thuận; thứ tư, dân chủ bảo đảm việc tôn trọng các quyền tự do căn bản;  thứ năm,  dân chủ đem lại sự đổi mới xã hội bằng cách loại bỏ những chính sách lỗi thời, đào thải những người lãnh đạo thiếu khả năng và thực hiện sự tiếp nối hòa bình giữa các thế hệ. 
 
 Trong thời đại dân chủ ngày nay, những thành tố chính yếu của dân chủ không còn xa lạ nhưng vẫn cần phải nêu ra:  thứ nhất, dân chủ là một chính quyền do dân bầu và các cuộc bầu cử phải dứt khoát, đều đặn và ngay thẳng; thứ hai, dân chủ đòi hỏi một hiến pháp, hiến pháp là một đạo luật cao nhất có thể được điều chỉnh nhưng thủ tục đều chỉnh phải rất khắt khe; thứ ba, dân chù đòi hỏi nhân quyền, tất cả những quyền này tạo thành một không gian bất khả xâm phạm đối với hành pháp, và chỉ được thay đổi bằng một thủ  tục nghiêm khắc; thứ tư, dân chủ đòi hỏi phải xây dựng một xã hội dân sự, gồm những hội đoàn làm đủ mọi việc công ích và độc lập với công quyền. 
 Xã hội dân sự hay xã hội công dân trở thành đặc biệt quan trọng từ khi chế độ cộng sản xuất hiện.  Khái niệm “xã hội dân sự” có thể được diễn giải theo hai cách.  Trong nghĩa tích cực nó có mục đích khuyến khích sự thiết lập các trung tâm tự trị để chống lại sư xâm lấn cũa các cơ quan Nhà Nước.  Trong nghĩa tiêu cực, nó giới hạn ảnh hưởng của Nhà Nước vào mọi lãnh vực của đời sống xã hội.
 
 Những nét đặc thù của xã hội dân sự là: kinh tế thị trường, truyền thông tự trị, chuyên viên tinh thông có khả năng đánh giá chính sách và hoạt động của công quyền,  và một mạng lưới những hội đoàn tự nguyện giúp dân lo liệu những vấn đề của họ. 
 Luật pháp ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản
 
 Luật pháp là một sự sáng tạo hữu lý nhất của nhân loại.  Không có luật xã hội sẽ hung hãn và rối loạn., công lý không thể nào thực hiện được.  Một quốc gia không có luật pháp thì không có cách gì để kìm hãm và kiểm soát quyền lực, và tình trạng này được đánh giá là hoàn toàn thiếu văn minh. 
 
 Nhưng luật pháp chỉ có tác dụng trong một xã hội dân chủ vì chỉ trong một xã hội mà chính quyền được dân bầu lên thì luật mới có thể được áp dụng một cách nghiêm túc.  Trong các xã hội cộng sản, luật pháp cũng không hoàn toàn biến mất nhưng lý tưởng tự do mà nền pháp trị dân chủ mang lại thì triệt để bị dẹp bỏ.
 
 Tại Việt Nam, sau khi những người cộng sản cướp được chính quyền vào năm 1945 thì ngay lập tức ngành luật học bị bãi bỏ và Trường Đại Học Luật Hà Nội bị đóng cửa.  Môn công dân giáo dục cũng biến mất trong chương trình giáo dục phổ thông.
 Trong thời gian chế độ cộng sản thành hình, khi luật sư Trần Công Tường cố vấn pháp luật cho chính phủ, đề nghị thiết lập hệ thống luật pháp cho Nhà Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì ông đã bị một lãnh đạo cộng sản cao cấp quyết liệt phản đối bằng lời lẽ như sau: “Luật pháp để làm gì?  Để trói tay, trói chân chúng ta lại hay sao?”.  Đối với các lãnh đạo cộng sản lức đó, nếu có ai khác ý, chỉ cần thẳng tay “chuyên chính vô sản” là xong. 
 
 Ai cũng biết cộng sản là như thế.  Tuy nhiên, sau đó ít lâu họ cũng dựng lên được đầy đủ những định chế dân chủ giả tạo như hiến pháp, quốc hội, toà án, v..v.  Điều quan trọng phải nói ngay ở đây là toàn bộ những định chế đó, từ hiến pháp trở xuống, đều nằm dưới quyền sinh sát của Đảng cầm quyền. 
 Hiến pháp thay đổi như chong chóng.  Đại diện tại Quốc Hội thì do Đảng cử dân bầu.  Luật pháp chỉ ban hành làm cảnh, vì trong thực tế các quyết định hành chánh thay nhau xuất hiện để tùy tiện đàn áp và bóc lột nhân dân.  Các tòa án thì thuộc loại toà án Kangooru, muốn xử ra sao thì xử.  
 
 Ở Việt Nam bây giờ, các chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh không ai được học qua trường luật.  Hội Đồng Tư Vấn gồm những đại biểu cũng chẳng ai biết gì về luật pháp.  Vậy mà họ được toàn quyền xét xử. luận tội và quyết định bỏ tù.  Khi nhận được các quyết định này, các ông chủ tịch tỉnh dốt nát cứ thế nhắm mắt phê chuẩn.  
 Hiến pháp dưới chế độ cộng sản Việt Nam
 
Ngày 9-11-1946 bản hiến pháp đầu tiên được quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thông qua.  Đây là bản hiến pháp mang lời lẽ dân chủ nhất của  những người cộng sản sau khi họ cướp được chính quyền. 
 
Điều 1 Hiến Pháp 1946  ghi rõ: “Tất cả quyền bính trong nước ta là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.  Điều này về sau cứ bị biến tướng dân dần.  Đến Hiến Pháp 1959, tương đối chưa có thay đổi gì nhiều vì hiến pháp còn ghi: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đều thuộc về nhân dân”. 
Nhưng đến khi Hiến Pháp 1980 xuất hiện thì sự biến hóa đã hoàn toàn rõ nét và trắng trợn: “Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là Nhà Nước  chuyên chính vô sản…  Ở nước CHXHCN Việt Nam, người chủ tập thể là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lới trí thức XHCN và những người lao động khác, mà nòng cốt là liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo”  (Điều 3)
 
Đến Hiến Pháp 1992 thì: “ Nhà Nước XHCN Việt Nam là Nhà Nước của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân.  Tất cả quyền lực Nhà Nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”. ( Điều 2).   Trong tất cả các hiến pháp này, giai cấp trí thức bao giờ cũng đứng đằng sau hai giai cấp công nhân và nông dân.
     *
Hiến Pháp 1946 có 7 chương thì toàn bộ Chương 2 được dành để nói về quyền công dân.  Điều 10 của Chương 2 ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do tổ chức và hội họp,  tự do cư trú đi lại trong nước và ra nước ngoài”. 
Đến Hiến Pháp 1959 thì điều này được khẳng định rõ ràng hơn.  Điều 25 nhắc lại các quyền nói trên và Điều 26  viết thêm: “Công dân nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào”. 
Nhưng khi bước sang Hiến pháp 1980 thì mọi chuyện đều khác hẳn.  Điều 67 xác định: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân.  Nhà Nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó.  Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ đề xâm phạm lợi ích của Nhà Nước và của nhân dân”.
 
Trong bản văn của Hiến Pháp 1992 thì Điều  67 nói trên còn bị thòng thêm một điều kiện mới gắt gao hơn: “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp. lập hội, biểu tình theo quy định của luật pháp…”  (Điều 69) .
Đọc những điều luật trên ta thấy tất cả những quyền tự do đều bị hạn chế dần dần.  Đến Hiến Pháp 1980 người ta đã ngoắc thêm điều kiện  “ phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xá hội”, đồng thời kèm theo một lời răn đe: “ không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để...”.  Lời răn đe này trở thành một điều kiện cụ thể, một khuôn phép bắt buộc, trong quy định của bản Hiến  Pháp năm 1992.
           *
Về quyền tư hữu của công dân điều 12 của Hiến pháp 1946 ghi: ‘Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”.  Đến Hiến Pháp 1959 ̣, quyền tư hữu vẫn còn được thừa nhận, nhưng sang triều đại Lê Duẫn thì quyền tư hữu bị xóa bỏ trong HP 1980.  
Dưới triều đại Lê Duẩn, Hiến pháp 1980 cóp nhặt điều  6 hiến pháp Liên Xô và áp đặt thành Điều 4 của Hiến Pháp 1980, dành  độc quyền cai trị cho Đảng CSVN.  Với Điều 4 này, chiếc mặt nạ dân chủ đã được gỡ bỏ và Đảng CSVN đã trắng trợn lộ diện trong vai trò lãnh đạo độc tài chuyên chính. 
 
Ngoài Điều 4, tính phản động của Hiến Pháp 1980 còn được chứa đựng trong một số điều khác, chẳng hạn như: chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của xã hội Việt Nam (Điều 38);  nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọị quan hệ kinh tế khác với nước ngoài (Điều 21); ở nước CHXHCN Việt Nam, những cơ sở kinh tế của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản đều bị quốc hữu hóa không bồi thường (Điều 25).  Bộ mặt ăn cướp của chế độ đã được bộc lộ trắng trợn vào lúc này, là lúc mà toàn thể dân tộc đã nằm gọn trong tay của nhóm lãnh đạo Ba Đình Hà Nội.
Từ ngày chế độ cộng sản lên ngôi, người ta thấy ở Việt Nam đã hỉnh thành một loại dân chủ và tự do hoàn toàn kỳ lạ.  Không luật pháp, không kỷ cương là dân chủ. Đi đường bất chấp luật giao thông là tự do.  Phóng uế bừa bãi nơi công cộng là một hình thức tự do khác.  Học trò bất chấp nội quy học đường, trẻ em xấc láo với ông bà, cha mẹ củng là một hình thức dân chủ khác.  Tất cả những quái tượng này đều là những thành tích mà chế độ cộng sản đã mang lại cho dân tộc. 
 
Vì thiếu dân chủ và tự do nên Việt Nam đã phát triển bệnh hoạn.  Vì phát triển bệnh hoạn nên hố cách biệt giàu nghèo trong nước mỗi ngày một roãng rộng, tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác trở thành hết thuốc chữa.  Vì phát triển bệnh hoạn nên tài nguyên thiên nhiên bị khai thác vô tội vạ, môi trường bị hủy hoại khủng khiếp.  Vì phát triển bệnh hoạn nên tình trạng trên lừa dưới, dưới lừa trên vẫn tiếp tục được duy trì. Vì phát triển bệnh hoạn nên “con đưởng Bác đi và nhân dân ta đã chọn” sẽ làm cho dân tộc muôn năm nghèo đói. 
Con đường “dân tiến” của CSVN
 
Năm 2012 là năm Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện chiến lược toàn cầu mới, hướng trọng tâm về Á Châu-Thái Bình Dương. Trung Quốc trong tham vọng biến Biển Đông thành ao nhà của mình đang gặp khó khăn, và càng làm mạnh bao nhiêu thì càng nhanh chóng đi vào thế cô lập bấy nhiêu vì các nước Á Châu khác đang tranh nhau ngả về liên minh với Mỹ để kiếm chỗ dựa an ninh.  Trước những thay đổi quan trọng đó thiết tưởng CSVN  cũng cần phải có những điều chỉnh sáng suốt để sinh tồn.  Từ nhiều năm nay, một cơ hội bằng vàng đang mở ra cho Hà Nội.
 
Gần đây, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã đến Hà Nội để xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước.  Kết qủa tuy hãy còn hạn chế nhưng cũng đã có một sự hớp tác song phương về một số mặt, chẳng hạn như Việt Nam đã chấp nhận cho Hoa Kỳ sửa chữa và bảo trì tàu hải quân tại vịnh Cam Ranh.  Bộ trưởng ngoại giao Mỹ nhiều lần nhắc nhở rằng: “Nếu Hà Nội có thái độ ủng hộ nhiều hơn các vấn đề “nhân quyền” thì quan hệ song phương giữa hai nước sẽ gần gũi nhiều hơn nữa”. 
 Thứ trưởng ngoại giao Anh Jeremy Browne cũng đã đến Hà Nội và cho biết: “Việt Nam là đối tác quan trọng của Anh Quốc tại vùng Đông Nam Á và Anh Quốc cũng hy vọng là Việt Nam nhìn nhận nước Anh là đối tác chiến lược của mình tại Âu Châu… Nước Anh muốn thấy Việt Nam trở thành một quốc gia hiện đại và hy vọng thấy người dân Việt Nam được cải thiện về nhân quyền và tự do ngôn luận”.
 
 Anh Mỹ và cả thế giới đều mong Việt Nam cải thiện về nhân quyền.  Thật ra thì Hà Nội rất muốn hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ và cũng chắng sợ gì nếu phải trở  mặt với Trung Quốc khi đã có chỗ dựa là Hoa Thịnh Đốn.  Nhưng cái làm cho họ sợ nhất là phải tôn trọng nhân quyền.  Họ ý thức được họ đang là kẻ thù của nhân dân và sợ nhân dân trả thù.  Cái “thế cưỡi lưng cọp” này vẫn thường xuyên ám ảnh những kẻ tội đồ.
 
 Dù sao thì số phận của những tập đoàn độc tài tham nhũng cũng không thể nào kéo dài bất tận. Trong một thế giới mả nhân quyền đã trở thành quan trọng hơn chủ quyền thì sách lược bắt nạt dân, cho dù có được sự ủng hộ của Trung Quốc, cũng không thể nào tồn tại lâu hơn nữa. 
 
 Tiến trình phát triển của nhân quyền đang ngày càng dồn đập trên đất nước Việt Nam kể từ khi Hà Nội bắt buộc phải mở cửa để chấp nhận kinh tế thị trường.  Ảnh hưởng của hai hiện tượng hiện đại hoá và toàn cầu hóa không cho  những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam lạm dụng lâu hơn nữa 
 Con đường thoát hiểm của họ giờ đây là con đường “dân tiến”.  Họ phải trở về với nhân dân qua sách lược nhanh chóng dân chủ hóa đất nước và hội nhập vào cộng đồng tự do của thế giới văn minh..  Lộ trình Miến Điện là con đường độc đạo phải đi theo vì trong cả tương lai gần lẫn tương lai xa, không còn con đường nào khác./.

Không có nhận xét nào: