Pages

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Chế độ càng bị cô lập và sa lầy


“...Không phải vì người dân quan tâm hơn tới hiến pháp mà vì một lý do hoàn toàn khác: Việt Nam đã chín muồi cho một cuộc cách mạng dân chủ và từ nay bất cứ gì cũng có khả năng làm lung lay chế độ...”

Lời kêu gọi đóng góp ý kiến cho "Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992" đã được hưởng ứng hơn hẳn sự chờ đợi và đang làm chế độ hốt hoảng. Các ý kiến đều đòi bỏ độc quyền chính trị của đảng cộng sản.

Ngay sau đợt góp ý đầu tiên, mà nổi bật nhất là kiến nghị do 72 nhân sĩ soạn thảo và được hàng ngàn người ủng hộ, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải báo động các cấp lãnh đạo cộng sản trên VTV1:

“Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến thì cũng có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa. Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ điều 4 hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy!”

Những hăm dọa của ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ có tác dụng thúc đẩy hai đóng góp khác đòi dân chủ một cách thẳng thắn và quyết liệt hơn hẳn: Lời Tuyên Bố Của Các Công Dân Tự Do và bản "Nhận Định và Góp Ý" của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam. Cả hai văn bản đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của dư luận trong cũng như ngoài nước. Quan trong hơn nữa là cả một làn sóng hô hào dân chủ trên không gian mạng và trong xã hội. Cả xã hội lên tiếng. Bên cạnh đó những tiếng nói bênh vực chế độ toàn trị nghe thật lẻ loi và lạc điệu. Chính quyền cộng sản chưa bao giờ bị cô lập bằng lúc này.

Ngày 19/03 đến lượt ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản công, cũng trên VTV1. Ông nói:“Mọi việc làm, mọi lời nói mọi hành vi gây mất đoàn kết trong đảng, trong xã hội; mọi việc làm, mọi hành vi, mọi lời nói gây mất ổn định trong xã hội đều là tội ác".

Ông Trọng hiểu thế nào "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống"? Còn ông Dũng hiểu thế nào là "gây mất đoàn kết", "gây mất ổn định xã hội" và "tội ác"? Những cáo buộc gay gắt và hàm hồ như vậy chứng tỏ họ đang hốt hoảng trước một đe dọa bất ngờ. Trái với dự đoán của họ việc "lấy ý kiến nhân dân" đã không tẻ nhạt như những lần trước, mà đã phát động một cơn bão đối với chế độ. Không phải vì người dân quan tâm hơn tới hiến pháp mà vì một lý do hoàn toàn khác: Việt Nam đã chín muồi cho một cuộc cách mạng dân chủ và từ nay bất cứ gì cũng có khả năng làm lung lay chế độ.

Những phát biểu này đồng thời cũng tiết lộ lý do thực sự của việc sửa đổi hiến pháp. Đó là tình trạng phân tán quyền hành giữa tổng bí thư đảng, chủ tịch nước và thủ tướng không thể tiếp tục được nữa bởi vì Đảng Cộng Sản đã mất lý tưởng và sự gắn bó. Cả ba cột trụ của chế độ - chủ nghĩa Mác – Lênin, thành tích chiến tranh và thần tượng Hồ Chí Minh - đều đã mất hết hiệu lực và trở thành phản tác dụng. Khi không còn gì để gắn bó các cấp lãnh đạo với nhau thì sự phân tán quyền hành như hiện nay tự nhiên đưa đến bế tắc. Giải pháp bắt buộc dưới mắt các cấp lãnh đạo cộng sản là tập trung quyền lực về một người, tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước.

Đó là cốt lõi của việc sửa đổi hiến pháp. Nhưng đó chỉ là sự chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân, một chặng đường tự nhiên của các chế độ toàn trị trong tiến trình đào thải. Chế độ sẽ chỉ càng cô lập và sa lầy hơn.

Ban biên tập Tổ Quốc

Không có nhận xét nào: