Pages

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257


GS. Hoàng Xuân Phú

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết rằng:

“Công vụ là một hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội”.

Nội dung này cũng phù hợp với cách giải nghĩa trong Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.

Rõ ràng, công vụ phải là việc công, do công chức nhân danh Nhà nước thực hiện. Nếu lợi dụng chức quyền để triển khai những việc nhằm trục lợi cho bản thân, không nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội, thì không thể ngụy biện là công vụ.

Khi công vụ được thi hành một cách đúng đắn thì người chống lại cần bị trừng phạt. Nhưng khi công vụ được thực hiện không đúng với quy định của pháp luật thì không thể đòi hỏi người dân phải im lặng chấp thuận, và không thể đơn giản kết tội chống đối nếu người dân có phản ứng tự vệ.

Bộ luật hình sự của nước Đức được ban hành vào năm 1871, với tội chống người thi hành công vụ được quy định ở điều 113, trong đó viết rõ điều kiện áp dụng là công vụ được thực hiện đúng pháp luật (rechtmäßige Ausübung). Tức là không thể mặc nhiên kết tội này cho người chống lại nếu công vụ được thực hiện sai pháp luật. Điều kiện “thực hiện đúng pháp luật” được duy trì trong điều 113 suốt 98 năm, “sống sót” qua bốn lần chỉnh sửa bộ luật hình sự, kể cả lần chỉnh sửa vào năm 1943 dưới thời phát xít. Đó là một yếu tố pháp lý quan trọng để bảo vệ người dân trước khả năng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Chưa yên tâm với điều kiện đó, năm 1970 các nhà lập pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã thay nó bằng một điều khoản rõ ràng hơn, có tác dụng bảo vệ người dân triệt để hơn, đó là:

“Hành động (chống người thi hành công vụ) không thể bị xử phạt theo quy định này (tức là quy định trong điều 113) nếu việc thực hiện công vụ không đúng pháp luật”.

Dù xã hội văn minh đến đâu thì cũng vẫn xảy ra việc người thi hành công vụ vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, khiến người dân phải tự vệ một cách chính đáng. Cho nên, những quy định pháp lý như trong bộ luật hình sự của Đức để bảo vệ người dân trước khả năng công quyền bị lạm dụng là thật sự cần thiết. Ở Việt Nam, khi mà có tình trạng sự tha hóa và tham nhũng làm ô nhiễm bộ máy công quyền thì những quy định để bảo vệ dân oan lại càng bức thiết. Rõ ràng, các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257 (về tội chống người thi hành công vụ) của Bộ luật hình sự hiện hành, để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống.

GS. Hoàng Xuân Phú

(Blog GS. Hoàng Xuân Phú)

Không có nhận xét nào: