Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Ba kịch bản thay đổi cho Việt nam, một kỳ vọng


Năm mới thường là thời điểm và cũng là cơ hội tốt để kiểm điểm lại tình hình sinh hoạt trong năm qua. Vậy, người viết xin được mượn Tập San Xuân Nhân Bản để cùng độc giả duyệt lại tình hình đất nước và nhất là tình hình đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam.

Cơ hội này này càng đáng được nắm bắt, khi công ty tư vấn Business Monitor International (BMI) vừa công bố bản báo cáo về dự đoán tình hình kinh doanh và chính trị Việt Nam, từ đây cho đến năm 2022. Nếu căn cứ vào nghiên cứu này thì – trong đoản kỳ – BMI đánh giá thấp mức độ rủi ro về bất ổn chính trị Việt Nam. Nói một cách khác, BMI quan niệm rằng một thay đổi chính trị sẽ khó có thể xảy ra từ đây cho đến 10 năm nữa. Tuy nhiên, khi nhìn xa hơn thập kỉ trước mắt, công ty tư vấn này đã dự đoán rằng chính quyền Việt Nam sẽ phải trực diện với những thử thách khó khăn. Thật vậy, chế độ độc đảng Việt Nam đang phải đương đầu với những áp lực đòi hỏi dân chủ hóa ngày càng gia tăng, trong một khu vực mà chiến lược ngoại giao thúc đẩy Đảng Cộng sản Việt Nam phải dựa vào các nước dân chủ Tây Phương nếu muốn duy trì độc lập quốc gia. Khi định hạng, công ty BMI đã xếp Việt Nam ở hàng ghế thứ 15 về đề tài ổn định chính trị dài hạn – với số điểm 57,7 – trên tổng số 21 quốc gia được nghiên cứu.

Đáng ghi nhận hơn là việc BMI đề nghị ba giả thuyết trong tiến trình thay đổi chính trị Việt Nam. Giả thuyết thứ nhất: Một chế độ kỹ trị sẽ được hình thành. Nói một cách vắn tắt, chính quyền Việt Nam sẽ biến thành một chế độ của những chuyên gia. Mục đích của sự hoán chuyển này có mục tiêu duy trì chế độ bằng cách cố gắng giữ vững mức tăng trưởng kinh tế và tái thiết công bằng xã hội. Giả thuyết thứ hai: Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ từng bước tự do hóa chính trị (Đa dạng hoá làng báo, chấp nhận những ý kiến khác biệt nhưng vẫn phục tùng nguyên tắc độc đảng, dần dần đi đến bầu cử tương đối tự do…). Giả thuyết cuối cùng : Tình trạng loạn lạc khiến chính quyền phản ứng bằng cách đàn áp. Với giả thuyết thứ ba, có nhiều xác suất Việt Nam bị loại ra khỏi cộng đồng thế giới văn minh và phải gánh chịu một số biện pháp trừng phạt kinh tế với hệ lụy cô lập hoá và cực đoan hóa của chính quyền.

Trong ba kịch bản trên, có lẽ giả thuyết kỹ trị là kịch bản khó xảy ra nhất. Lý do rất hiển nhiên: Thành phần kỹ trị chưa đủ trọng lượng để xuất hiện như một tầng lớp xã hội có tổ chức và có bản lãnh để nắm lấy vai trò quyết định. Cần công nhận rằng – từ thập niên 90 cho đến nay – đất nước đã đào tạo được rất nhiều chuyên gia có «tay nghề» khá cao. Họ đã tu học hay tu nghiệp tại các quốc gia tân tiến. Quan trọng hơn nữa, giới chuyên gia Việt Nam đã có cơ hội trực tiếp quản lý những hồ sơ hệ trọng của đất nước và không có trường học nào có thể đào tạo một cách xuất sắc bằng mái trường cọ-xát-thực-tiễn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng giới chuyên gia Việt Nam còn quá ít và còn thiếu quá nhiều thời gian để chiếm được một địa vị trên chính trường, nhất là khi chính trường đó được an bài bởi một chính quyền độc đoán với tập quán (hay, nói đúng hơn một phản xạ) « hồng hơn chuyên ». Hơn thế nữa, tâm lý kẻ sĩ Á Đông vẫn ăn sâu trong não trạng của các thế hệ khoa bảng Việt Nam. Tâm lý này đã làm thui chột thái độ dám nghĩ-dám làm và óc sáng kiến. Trong điều kiện này, nếu có cơ hội được tham chính, giới chuyên gia Việt Nam chỉ có thể là những người giúp việc ngoan ngoãn của một chính quyền độc tài đảng trị. Cứ duyệt lại lịch sử Nam Mỹ với những « Chicago boys » tốt nghiệp tại Hoa Kỳ và về nước « phục vụ » thì có thể tiên đoán được những gì sẽ xảy ra nếu kịch bản kỹ trị được đưa lên sân khấu Việt Nam.


Tâm lý kẻ sĩ Á Đông vẫn ăn sâu trong não trạng
của các thế hệ khoa bảng Việt Nam
 
Nói tóm lại, giả thuyết này khó có thể đưa ra một lối thoát cho đất nước. Và nếu có, kịch bản này chỉ có thể là một đáp số giai đoạn cho những kẻ đương quyền. Chính vì vậy không những đây là một kịch bản có ít xác suất xảy ra mà – hơn thế nữa – cần từ bỏ nó và phải tương kế tựu kế tống cổ nó đi trong trường hợp nó lấp ló hiện hình.

Về kịch bản thứ ba, nhiều dữ kiện cho thấy giả thuyết này cũng sẽ không thành hiện thực: Với một chiều dài lịch sử chiến tranh và xung đột, có lẽ dân tộc Việt Nam đã quá mệt mỏi. Hơn thế nữa, người dân đã thấu hiểu và thấm thiá cái giá phải trả khi đi đến chạm trán. Sự mệt mỏi của một dân tộc nhiều khi cũng có khiá cạnh tích cực của nó. Nó giành thế thượng phong cho giải pháp tranh thủ, thuyết phục hay – nhiều lắm – khắc phục. Nó cân nhắc và thường gạt phăng ra những giải pháp xung đột đổ máu vô ích.

Ngoài ra, nói đến bạo loạn là đề cập đến đám đông, nếu không muốn nói đến quần chúng. Nhưng đám đông hay quần chúng không lạc quan tếu và không lãng mạn. Quần chúng chỉ ồ ạt xuống đường đòi hỏi thực thi những yêu sách khi… tình hình đã ngã ngũ và chính quyền gần như chắc chắn phải nhượng bộ để rồi sụp đổ. Đừng để những hình ảnh về các cuộc cách mạng quần chúng trên thế giới làm mờ mắt. Trong tuyệt đại đa số những trường hợp trên, khi người dân quy tụ tại quảng trường đòi chính quyền từ chức thì gần như sự sụp đổ của chính quyền chỉ còn là vấn đề thời gian và thương lượng (Giới đương quyền rút lui ra sao? Các hồ sơ trọng đại sẽ được xử lý thế nào? Điều kiện lưu vong của Thủ tướng và các Bộ trưởng? Quốc gia nào chấp nhận họ? Bao nhiêu trương mục sẽ bị khoá lại?...).

Và ngay trong trường hợp quần chúng xuống đường, cũng cần có một tổ chức chính trị điều động, điều khiển và – sau khi thành công – thay mặt quần chúng tiếp thu chính quyền. Điều kiện này còn thiếu vắng ở Việt Nam.

Có thể ví von so sánh việc xuống đường thách đố chính quyền độc tài như một cuộc đánh cờ tướng. Hai bên có thể « đớp » con xe hoặc « vồ » con pháo. Nhưng chưa bao giờ con tướng « bị ăn » cả. Tướng chỉ có thể bị « chiếu ». Trong trường hợp này, chỉ có hai giải pháp: Một, phía « bị chiếu » nhận thấy không còn cứu vớt được tình hình và phải chấp nhận nhường phần thắng cho đối phương. Ván cờ được kết thúc mà con tướng không hề hà gì. Hai, phiá « bị chiếu » vẫn còn khả năng tự vệ và mức độ hung hãn của sự phản công-đàn áp nhất định sẽ ngang tầm với sự ô nhục vì vừa bị « chiếu ». Tất cả những cuộc đàn áp quần chúng xuống đường (Thiên An Môn, Yemen, Syria) đều xuất phát từ hành động sai lầm kêu gọi – hoặc không ngăn cản – xuống đường khi tình hình chưa ngã ngũ.


Giả thuyết bạo loạn đưa đến đàn áp khó xảy ra
 
Nói tóm lại, giả thuyết bạo loạn và đàn áp khó xảy ra tại Việt Nam vì nó đòi hỏi lời kêu gọi đám đông đầy nhiệt huyết xuống đường. Nhưng, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đám đông đầy nhiệt huyết vẫn còn thiếu vắng vì lý do lịch sử. Hơn nữa, những giới hạn văn hoá và tổ chức đã kiềm hãm sự ra đời của một tổ chức đầy đủ tín nhiệm kêu gọi quần chúng làm việc này. Ở đây, người viết xin mở ngoặc để hy vọng rằng một tổ chức như trên rồi sẽ xuất hiện… nhưng tổ chức này sẽ cân nhắc kỹ càng tình huống để không vội vã kêu gọi quần chúng hành động khi môi trường chưa chín muồi.

Vậy chỉ còn lại giải pháp tự do hoá chính trị. Hãy tạm cho là giải pháp này khả thi. Hơn nữa – trong ba giả thuyết được đề xuất – cần nhìn nhận đây là giả thuyết tốt lành nhất cho đất nước.

Nhưng không phải vì vậy mà phải chấp nhận kịch bản này với bất cứ điều kiện nào!

Sinh hoạt chính trị là chấp nhận vượt qua chính mình để tiếp tục là mình. Nhưng chính trị cũng đòi hỏi thái độ kiên định trên những đề tài bất khả nhân nhượng để mình còn tiếp tục là mình. Kịch bản tự do hoá chính trị là một thí dụ điển hình. Ở đây, cần nhận diện rõ lằn ranh giữa hai thái độ: Một, hoài vọng tự do hoá chính trị sẽ đến từ chính quyền qua hành động xin-cho. Hai: quyết tâm đòi hỏi tự do hoá chính trị xuất phát từ người dân.

Cho đến những ngày gần đây thái độ thứ nhất vẫn là tập quán của người Việt Nam. Vòng lẩn quẩn này được thể hiện qua những lời thỉnh cầu, những xin xỏ chính quyền hay những kiến nghị. Nó tiềm tàng trong những lời yêu cầu xây dựng đảng, trong sạch hoá đảng. Ở một mức độ nào đó, thái độ này cũng phần nào giải thích tư thế « dựa hơi » vào những thần tượng cách mạng cộng sản để cầu mong một ân sủng từ chính quyền. Tuy nhiên, thực tế đã nhiều lần chứng minh đây chỉ là một công thức vô vọng. Hơn nữa, lịch sử cũng luôn rung chuông nhắc nhở mọi người rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ phản ứng dưới những nhu cầu của thực tế và những đòi hỏi của người dân. Những chính sách cải tổ hay đổi mới chưa bao giờ xuất phát từ viễn kiến của lãnh đạo cộng sản. Nói một cách ngắn ngọn, thay đổi ở Việt Nam chỉ có thể phát động từ « dưới toả lên » chứ chưa bao giờ xuất phát « từ trên để rồi lan rộng xuống ».

Chính vì vậy, có thể dứt khoát cam đoan rằng sẽ không có giải pháp khả quan hoặc khả thi nào nếu kịch bản tự do hoá chính trị lựa chọn lộ trình xin-cho để chờ đợi một thái độ tích cực đến từ chính quyền độc tài.

Ngược lại, nếu muốn kịch bản tự do hoá chính trị được « mẹ tròn con vuông » tại Việt Nam, đòi hỏi mới là thái độ thích hợp nhất. Những dấu hiệu gần đây cho thấy một sự chuyển hướng tư tưởng quan trọng theo chiều hướng này : Lời Tuyên Bố Công Dân Tự Do là một chứng minh hùng hồn. Nó đòi hỏi tiếng nói và địa vị xứng đáng cho mọi công dân trên những đề tài liên quan đến tương lai đất nước. Nó không xin xỏ chính quyền bất cứ điều gì. Ngược lại, nó kêu gọi những công dân khác tham gia vào Tuyên Bố để giành lấy những quyền lợi căn bản của mình. Hiện nay, có hơn 7000 người trong và ngoài nước đã hưởng ứng Tuyên Bố. Không cần nói nhìều, cần ủng hộ nhiệt tình hơn nữa Lời Tuyên Bố Công Dân Tự Do để những hành động tương tự xuất diện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Nó sẽ tạo điều kiện tốt cho một tiến trình tự do chính trị mà động cơ chính phải đến từ những đòi hỏi của mỗi công dân.

Nhìn sâu hơn vào vấn đề, xu hướng này đã manh nha xuất hiện vào cuối năm 2012 khi lần lược nhiều bài viết đã xuất hiện với nội dung đề nghị một nhân vật tiêu biểu – trong hay ngoài nước – đứng lên đại diện cho phong trào dân chủ Việt Nam. Dữ kiện này chứng minh sự trưởng thành của phong trào dân chủ Việt Nam. Thật vậy, nhu cầu về một tổ chức và về một nhân vật lãnh đạo – để điều động, phân công và xác định những đòi hỏi dân chủ – đã được nhìn nhận như hai yếu tố không có không được, nếu muốn giành lấy thắng lợi.

Đi xa hơn nữa, cũng cần nhận diện một hiện tượng đang thành hình : Sự chọn lựa phương pháp đấu tranh có tổ chức, có lớp lang và được suy nghĩ chính chắn trước khi bước vào hành động. Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, sau một thời gian dài sàng lọc, một lớp người đấu tranh mới, tương đối rất trẻ, đã xuất hiện với những phong cách sinh hoạt khác hẳn với những tập quán trước đây. Có thể xem họ là những nhà đạo diễn thuộc trào lưu mới. Họ sẽ tích cực góp phần gầy dựng kịch bản tự do chính trị cho Việt Nam. Và các diễn viên chính chắc chắn sẽ là những người tự xem mình như những công dân tự do có quyền và có trách nhiệm đối với đất nước.

Một lớp người đấu tranh mới đã xuất hiện,
với những phong cách sinh hoạt mới

Phải làm tất cả những gì cần làm để những đạo diễn và những diễn viên này có được cơ hội phát huy tài năng của họ.

Một lời cuối: Năm qua là thời điểm mà hiện tượng sàng lọc đang đi vào giai đoạn cuối của nó tại Việt Nam, với những kết quả tích cực. Tại hải ngoại, hiện tượng này cũng đã xảy ra nhưng nó đã đi vào hồi kết : Thật vậy, ngay từ tháng 05/1975 đã có rất nhiều hội đoàn và tổ chức đấu tranh thi nhau ra đời. Cũng phải nhìn nhận rằng có nhiều sai lầm đã vấp phải, gây ra thất vọng và bỏ cuộc. Với thời gian, rất nhiều tổ chức dấn dần biến mất, nhường chỗ lại cho một vài tổ chức có viễn kiến và có định hướng đúng. Khi hai đợt sàng lọc đã hoàn tất công việc của nó, những con người kiên trì còn lại – trong và ngoài nước – chắc chắn sẽ kỳ phùng trong một mặt trận dân chủ.

Cho dù « hữu duyên, thiên lý năng tương ngộ » nhưng thử thách lớn trước mắt là làm sao tạo điều kiện để sự hội ngộ này diễn ra càng sớm càng tốt. Như vậy, sẽ chứng minh cho các công ty tư vấn, những văn phòng nghiên cứu hay những cơ quan dự đoán chiến lược ngoại quốc một điều : Họ hoàn toàn sai lầm ! Dân chủ gõ cửa đất nước Việt Nam sớm hơn họ tưởng với một kịch bản khác với những gì họ đã suy tưởng.
 
Nguyễn Gia Dương 

(Thông luận)

Không có nhận xét nào: